Mình viết bài này để chúng ta có cái nhìn tốt hơn và đỡ bất đồng một cách không cần thiết. Bài viết sẽ còn được bổ sung và mọi người có thể góp ý. 1. Thuật ngữ / cách hiểu riêng. Khi nói về 1 chủ đề nào thì người mở chủ đề phải giải thích về các thuật ngữ nếu có (chẳng hạn từ “độ tin cậy” trong tâm lý sẽ được hiểu khác với cách mà các bạn hiểu thường ngày). Cách hiểu riêng ở đây là nếu từ đó không phải thuật ngữ mà là cách bạn hiểu cho từ đó. Ví dụ cùng là từ “cảm thông” nhưng mỗi người sẽ hiểu nó theo 1 cách khác nhau. Nên việc làm rõ các từ quan trọng trước khi thảo luận là việc cần thiết và quan trọng. Ngay cả các bạn nêu ý kiến sau đó cũng vậy. Bởi vì nếu chúng ta nhìn sự việc theo các góc nhìn khác nhau sẽ không hiểu nhau và dễ hiểu sai ý người kia. Nên phải giải thích để biết là đang nhìn giống hay khác. Điều này rất quan trọng với các bạn không có thói quen mài từ ngữ hay dùng từ ngữ có xu hướng chính xác mà thường là để ám chỉ ý hơn. Ví dụ: "Đó là một người đàn ông Việt Nam" (đây là câu nói chính xác), "Con chim kia đẹp quá" (ở đây từ đẹp chưa hề được định nghĩa là con chim như thế nào thì đẹp). 2. Luật chơi / nguyên tắc chung. Trong tranh luận thì cần phải có luật chơi / nguyên tắc chung để đạt được kết quả và phải được hầu như tất cả mọi người đồng ý. Ngoài ra là làm rõ mục đích của cuộc tranh luận/thảo luận cũng như tính chất của nó. 1 cuộc thảo luận về khoa học sẽ khác với thảo luận luận về mối quan hệ trong cuộc sống. Những cái này có thể được hoàn thiện thêm trong quá trình thảo luận chứ không hẳn là phải hoàn thiện ngày từ đầu. Ví dụ 1: nếu thảo luận về việc so sánh 2 chiếc máy tính cái nào tốt hơn thì 1 người nói cái máy này cấu hình tốt hơn, người kia lại bảo cái máy kia màn hình lớn hơn và không ai chịu nhường ai. Như vậy thì cho dù có nói cả mấy tháng cũng chưa ra được kết quả. Nên cách để giải quyết là trước đó 2 người phải đưa ra nguyên tắc chung, ở đây có thể là các đề mục so sánh: màn hình, giá cả, tính thuận tiện, cấu hình. Sau đó so sánh 4 mặt đó và tính tổng quan lại xem cái nào tốt hơn. Ví dụ 2: nếu vấn đề được thảo luận không có tính đúng / sai tuyệt đối thì các quan điểm được đưa ra là để xem xét có hợp lý không và không ai được bác bỏ ý kiến người kia (có thể đưa ra suy nghĩ cá nhân là không thấy nó hợp lý và phân tích tại sao nhưng không được khẳng định là sai) hay dùng từ ngữ khẳng định ý kiến bản thân. 3. Cách dùng từ ngữ / nêu ý kiến. Nếu ý kiến là do cá nhân đưa ra thì phải đi kèm với các từ ngữ như “Theo ý mình / mình nghĩ là”. Bởi vì nếu không dùng các từ như vầy người khác sẽ hiểu cách bạn nói là điều đã đúng và nó mang tính khẳng định. Ngoài ra nó sẽ thể hiện cái tôi (ở đây hiểu là tự coi mình là trung tâm) của chúng ta, 1 đứa trẻ có thể nói “Làm vậy là sai” mà không quan tâm người khác nghĩ gì. Hãy thể hiện chúng ta đã lớn. Nếu ý kiến là của 1 người khác hoặc do người khác nói thì phải nêu tên họ ra. Ví dụ: + Nghiên cứu của Nardi cho thấy…. + Gardner đã đưa ra 8 loại hình thông minh… 4. Đặc điểm cần có khi thảo luận / tranh luận. Các bạn có thể xem qua ở đây. Dám không đồng ý - Margaret · Kiên nhẫn. · Năng lượng. · Sẵn sàng thay đổi. Nếu là một cuốn thảo luận chúng ta sẽ dễ chịu hơn vì phần lớn là nêu ý kiến, không quan trọng sự thật và tính đúng sai nặng như tranh luận. Còn đã là tranh luận thì bắt buộc các bạn phải nghiêm túc với nó. Những câu nói mang tính đại khái, chưa qua suy nghĩ, cân nhắc nhiều không nên mang vào. Bản thân mình trước khi nói gì, mình sẽ lọc suy nghĩ đã rồi sau đó tìm thêm dữ kiện bên ngoài nếu có. Bạn phải cho người khác thấy là bạn đã tập trung năng lượng vào tranh luận. Và các bạn phải mang một tư duy mở, không quan trọng mình đúng hay sai mà là tập trung vào tìm kiếm sự thật. Những từ ngữ khẳng định như “tuyệt đối”, “chắc chắn” hầu như không bao giờ mình mang vào. Bởi vì 1 khi bạn đã dùng các từ đó gần như là bạn đã tự đóng khả năng “sẵn sàng thay đổi” (tiềm thức tự động làm việc đó). Điều này không có nghĩa mình bảo bạn dễ dãi, dễ thay đổi, bạn vẫn giữ quan điểm, chỉ là nếu có một điều khác đúng hơn bạn sẽ cân nhắc dễ hơn. 5. Tránh ngụy biện. Các bạn đọc bài này để rõ hơn Văn hóa tranh luận và vấn đề ngụy biện - Bàn Tân Định | Diễn đàn MBTI Việt Nam Ngoài ra có thể tìm sách "Cãi gì cũng thắng" để hiểu thêm về ngụy biện. Bản thân chúng ta từ trước đến giờ đều ít hay nhiều đã dùng ngụy biện trong đời sống, việc đọc bài viết cũng như sách trên sẽ giúp các bạn có thể nhận diện ngụy biện ở bản thân cũng như người khác. Tuy nhiên là phải cẩn thận vì nó như dao 2 lưỡi, nếu bạn không hiểu rõ và dùng 1 cách tùy ý thì sẽ là điều không tốt.