Trí nhớ: Phương pháp Lộ trình

Thảo luận trong 'Các thuyết tâm lý học' bắt đầu bởi Ngọc Tiến, 18/12/14.

  1. Phương pháp Lộ trình (Loci)

    loci method.png

    Đây là phương pháp mình giới thiệu đầu tiên và cũng được xem là phổ biến nhất. Loci là tiếng Latin của Location (địa điểm/vị trí) trong tiếng Anh.

    Khái niệm: phương pháp này rất đơn giản là đặt biểu tượng (có thể là hình ảnh, vật thể, sự kiện) vào các địa điểm khác nhau. Để nhớ lại, chúng ta sẽ tưởng tượng lối đi và đi từ điểm này đến điểm khác.

    Mình có thể nói phương pháp này như một kỹ năng sinh tồn ngày xưa vậy, khi chúng ta đi xa thì phải đánh dấu lại để còn biết đường quay về.

    Tại sao phương pháp này hữu hiệu?

    Đó là bởi vì nó sử dụng khả năng tự nhiên ghi nhớ vị trí của chúng ta. Cứ thử nhắm mắt lại thì bạn vẫn sẽ có thể định vị được các vật dụng trong phòng của mình ở chỗ nào. Điểm mạnh khác là nó cho chúng ta một thứ tự hợp lý. Bạn chỉ việc đi quanh phòng nhìn đồ đạc theo chiều kim đồng hồ hoặc đi ngược chiều sẽ thấy các đồ vật đều có một thứ tự đặc trưng.

    Như vậy thì dù có lạc đường bạn vẫn có thể lần mò lại bạn đang ở đâu.

    Cách tạo ra Lộ trình.

    Bước 1: Chọn địa điểm.

    Ban đầu để làm quen, chúng ta sẽ chọn nơi quen thuộc nhất. Ở đây mình khuyên là lấy phòng của bạn (ngoài ra bạn chưa thích bắt đầu từ nhỏ thì có thể là từ cả ngôi nhà của bạn).

    Bước 2: Vạch rõ đường đi.

    Ở bước này bạn sẽ vạch ra tất cả điểm đến (vật thể) bạn muốn sử dụng để làm “lối đi”.

    Số lượng của điểm đến sẽ quyết định lượng thông tin bạn có thể lưu giữ được. Một căn phòng trung bình có thể tạo được ít là 20 điểm đến.

    Chú ý:

    + Chọn điểm bắt đầu dễ nhớ: ví dụ như mình khi vào phòng thì ngay bên phải là cái quạt sau đó mình sẽ từ đó đi 1 vòng phòng theo chiều kim đồng hồ.

    + Sử dụng những điểm đến dễ nhận ra (không quá nhỏ như bút chì, không quá lớn như cả ngôi nhà).

    + Vật thể không được quá gần hay quá xa, và không nên giống nhau.

    Ví dụ về phòng mình:

    Quạt -> Bình hoa trên tủ -> Tivi kế bên bình -> Tủ -> Tủ quần áo -> Vali trên đầu tủ -> Gương -> Bình hoa -> Đồng hồ dưới bình…

    Bước 3: Ghi nhớ lộ trình của bạn.

    Ở bước này, bạn sẽ phải nhắm mắt lại và tưởng tượng lại lộ trình của bạn theo đúng thứ tự. Đếm từng vật thể/điểm đến. Làm đi lại 2-3 lần cho chính xác và dần bạn sẽ có thể tăng tốc độ.

    Bước 4: Sử dụng

    Ở bước này vì mới bắt đầu. Mình sẽ đưa ra 1 bài tập nho nhỏ, đơn giản trước.

    Ghi nhớ 20 vật thể bất kỳ (Bạn có thể tự tạo hoặc vào đây để tạo 1000s of Random Things - List Generator)

    Cách làm là bạn sẽ đặt vật thể cần nhớ vào điểm đến đã tạo.

    Ví dụ mình cần nhớ: cá voi, bút chì, laptop.

    Mình sẽ tưởng tượng: cá voi nhảy qua lại cái quạt -> bút chì phóng như tên lửa đâm xuyên qua bình hoa -> tivi biến hóa mọc chân ra trở thành laptop với bàn phím ở dưới chân. Lần lượt như vậy cho đến hết 20 vật.

    *Chú thích: nhiều bạn sẽ nói nếu chỉ cần nhớ 20 vật thì chỉ cần tạo câu chuyện thú vị cho chúng là được. Mình đồng ý nhưng đây là phương pháp khác, còn ở đây mình đang giúp các bạn làm quen với phương pháp Lộ trình. Thứ rất hữu hiệu để ghi nhớ 1 cách có hệ thống.

    Sau khi qua được 20 vật bạn có thể thử tăng số lượng lên 10-20.

    Bài viết tiếp theo mình sẽ nói về các nguyên tắc khi tạo hình ảnh để dễ nhớ và cách thức tăng số địa điểm lên.
     
    Hoài Nam, Hồng NhungThuytien thích bài này.
  2. Ở bài này mình sẽ viết về cách thức để các kết nối trở nên mạnh và chặt chẽ.

    Bước 1: Tưởng tượng, lắng nghe, cảm thấy nó!

    Bạn tưởng tượng thật rõ hình ảnh bạn mong muốn. Ví dụ cá heo. Lắng nghe tiếng nó kêu, cảm nhận nó. Có thể tưởng tượng bạn chạm vào làn da nó. Ngoài ra còn có thể ngửi, nếm nếu là đồ ăn.

    Nói tóm lại dùng nhiều giác quan nhất có thể.

    Bước 2: Think out of the box! (Sáng tạo)

    Đơn giản mà nói là càng làm mọi thứ càng sáng tạo càng tốt. Lấy ví dụ ở mình liên kết cá heo và cái quạt trong phòng mình.

    Mình có thể tưởng tượng con cá heo nhảy trúng cái quạt, u đầu 1 cục và đứng lên đánh cái quạt 1 phát làm tay nó sưng đỏ lên.

    Bước 3: Sử dụng cảm xúc.

    Những cảm xúc luôn khiến việc ghi nhớ tốt hơn. Ngày đầu tiên hẹn hò, khi bị xấu hổ, cảm giác tội lỗi. Chúng ta đều là kỷ niệm đáng nhớ.

    Vậy nên hãy đưa thêm cảm xúc vào khi tưởng tượng. Có thể là cảm thấy buồn cười khi con cá heo làm như ở bước 2. Hoặc là tội nghiệp cho cái quạt.

    Bước 4: Cử động.

    Hành động và làm cho điều muốn ghi nhớ cử động là 1 cách tốt để nhớ dễ hơn. Khi nào nói đến hệ thống PAO (person-action-object) mình sẽ nói kỹ hơn. Tuy nhiên là ví dụ như bạn có thể tưởng tượng nàng Monalisa liếc mắt nhìn bạn chẳng hạn.

    Hay Ronaldo đá trái banh bay thẳng vào mặt bạn khi đi qua địa điểm đó.

    Bước 5: Cường điệu hóa.

    Ở đây là bạn làm cho vật càng khác so với bình thường càng tốt.

    Một trong những cách đơn giản là phóng to hoặc thu nhỏ lại. Chẳng hạn như thu nhỏ con cá heo lại bằng hình dáng 1 đứa bé sẽ trông rất đáng yêu. Hay nhìn thấy 1 con bướm khổng lồ cạnh 1 con voi tí hon.

    Bước 6: Sử dụng trí tưởng tượng về tình dục.

    Ở đây mình không có ý định làm bôi xấu đầu óc trẻ thơ của 1 số bạn. Nhưng sự thật là tình dục hay cảm cảm xúc/ hình ảnh về nó rất ấn tượng. Nhiều bạn cảm thấy không ổn có thể bỏ qua phần này.

    Nhưng vì chỉ là tưởng tượng không gì để mất, nên đây là 1 trong các cách tốt để sử dụng.

    Bước 7: Tô màu.

    Bạn càng nhớ rõ màu sắc của vật thể, hình ảnh bạn tưởng tượng bao nhiêu càng nhớ nó lâu bấy nhiêu. Vậy nên hãy tô cho nó càng rõ ràng càng tốt.

    Bước 8: Lặp đi lặp lại.

    Bạn nên tập vài lần lặp đi lặp lại để các kết nối củng cố mạnh hơn. Và đảm bảo là chúng rất dễ nếu bạn đã dùng vài bước ở trên cho 1 hình J.
     
    Hoài Nam, Hồng NhungThuytien thích bài này.

Chia sẻ trang này

XenForo Add-ons by Brivium ™ © 2012-2013 Brivium LLC.