Dịch từ cuốn Functions of Type: Activities to Develop the Eight Jungian Functions Tác giả: Gary Hartzler và Margaret Hartzler Người dịch: @surphi10 Bản dịch thuộc diễn đàn mbtivietnam.net. Copy vui lòng ghi rõ nguồn (Trình bày tham khảo nhiều của @Ngón Cạnh Ngón Trỏ) CẢM XÚC HƯỚNG NỘI - INTROVERTED FEELING (Fi) The Conscience - Chức năng lương tâm Chức năng Cảm xúc - Hướng nội (Fi) sắp xếp và tổ chức những giá trị bên trong của một người, giúp anh ta duy trì sự toàn vẹn trong tâm hồn của mình. Hiển nhiên, khi chức năng này chưa được phát triển đến một mức độ nào đó, thì đa số những giá trị của một người sẽ nằm trong vô thức, nghĩa là anh ta sẽ khó có thể nhận thức và kết nối được những giá trị của mình thành một hệ thống hoàn chỉnh. Hoa mỹ hơn là anh ta sẽ không thể miêu tả con người mình bằng một ngôn ngữ thống nhất. Điều này có thể dẫn đến việc một ai đó, bình thường luôn chấp nhận và hài lòng với mọi thứ xung quanh, làm theo mọi điều mà mọi người thường làm, nhưng thỉnh thoảng lại bị bất ngờ với việc tự làm tổn thương mình lúc nào không hay. Đôi khi anh ta lại trở nên cực kỳ bướng bỉnh, nhưng lại không thể tự lý giải tại sao anh ta lại như vậy. Chức năng Fi luôn dẫn dắt chúng ta đi đến kết luận bằng cách sử dụng hệ thống giá trị của bản thân. Điều này sẽ giúp ta duy trì sự toàn vẹn trong tâm hồn của mình. Chức năng lương tâm này sẽ luôn giúp chúng ta nhận thức được những tổn thường về mặt tinh thần mỗi khi những giá trị trong ta bị vi phạm. Fi giúp ta nhận thức được cảm xúc một cách rõ ràng và chính thống, chứ không phải bỏ mặc cảm xúc trong vô thức và bối rối mỗi khi phải sử dụng đến chúng. Những quyết định chúng ta thực hiện dựa trên cảm xúc hướng nội luôn thỏa mãn nhu cầu duy trì sự toàn vẹn của bản thân. Nó đánh giá ý tưởng và hành vi của Thế giới bên ngoài bằng những giá trị sâu bên trong của nó. Fi ở trạng thái tốt nhất cũng sẽ giúp đỡ những người xung quanh họ duy trì sự toàn vẹn trong tâm hồn. Khả năng của Fi Các giai đoạn phát triển của chức năng lương tâm (Fi1) Khả năng căn bản nhất của Fi là dùng cảm xúc dẫn đường để xác định được những giá trị quan trọng bên trong mỗi chúng ta. Ví dụ, nếu chúng ta cảm thấy tức giận, Fi sẽ giúp chúng ta hiểu được vì sao chúng ta lại giận, những điều quan trọng nào đang bị thiếu, hoặc những giá trị nào đang bị vi phạm. (Fi2) Với một mức độ phát triển nhất định, Fi sẽ bắt đầu hiểu hơn về những giá trị vô giá của bản thân người đó. Những giá trị này có thể là những niềm tin hay “sự thật” mà ta sẵn sàng bảo vệ chúng bằng mọi giá, kể cả khi phải chịu đau khổ, hoặc đối mặt với cái chết. Với mức độ phát triển cao hơn nữa, Fi sẽ bắt đầu phân biệt rõ ràng được những thứ mà thật sự quan trọng và những thứ kém quan trọng hơn với chúng ta. Vì vậy, Cảm xúc hướng nội - Fi sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những giá trị sâu sắc nằm sâu thẳm trong tâm hồn của mình. (Fi3) Chức năng lương tâm, một khi đã giúp một người nhận thức được những giá trị sâu thẳm bên trong bản thân anh ta, cũng sẽ giúp anh ta hiểu được những giá trị thật sự mà mỗi cá nhân nên có. Điều nguy hiểm ở đây, như một hệ quả tất nhiên, là người đó có thể nhầm tưởng rằng mọi người ai cũng cũng nên có một ý nghĩa về cuộc sống tương tự nhau và tương tự cách anh ta nghĩ. Nhưng mà khi phát triển hơn nữa, Fi sẽ dễ dàng vượt qua được điều này. (Fi4) Chức năng lương tâm học được cách duy trì sự toàn vẹn của bản thân, bằng cách không ngừng sống với những giá trị thật sự của anh ta. Kỹ năng này có thể dẫn đến những mâu thuẫn nội tại, trong những trường hợp các giá trị đi ngược với nhau. Ví dụ khi một người vừa không muốn làm tổn thương một người, vừa không muốn nói dối. Thường thì, khi đã đạt đến mức này của sự phát triển, Fi sẽ duy trì sự toàn vẹn của một người bằng những câu hỏi tránh né kiểu "Bạn thích cái nón của tôi như thế nào?", hơn là lựa chọn giữa việc nói dối và việc nói thật nhưng gây tổn thương. (Fi5) Cảm xúc hướng nội là một chức năng ra quyết định. Khi phát triển đúng mức, với sự nhận thức sâu sắc về các giá trị nội tại của chủ thể, nó dẫn đường mọi quyết định đi theo thiên hướng đạo đức. (Fi6) Chức năng lương tâm trân trọng mọi thực thể sống, và sẽ tiếp tục khuyến khích từng thực thể sống đó duy trì sự toàn vẹn bản thân của mình. Ở mức độ phát triển cấp cao này, Fi thường xuyên hỗ trợ mọi người như một cách để nó duy trì sự toàn vẹn bản thân của mình. Ở những mức độ phát triển cao hơn nữa, Fi có thể nhận thức rõ những giá trị của người khác và giúp đỡ họ phát triển sự nhận thức bản thân. (Fi7) Ở một mức độ cao cấp của sự phát triển, Fi có một khả năng tuyệt vời về việc đánh giá chính xác cảm xúc của mọi người xung quanh, bằng chính những cảm xúc của nó về người họ. Và nó sẽ có xu hướng dành sự quan tâm và nhân từ của mình cho những người thật sự cần. (Nôm na có thể hiểu là, khi tiếp xúc với thằng A, Fi thấy mệt -> nó hiểu là thằng A đang có năng lượng tiêu cực) (Fi8) Chức năng lương tâm cố gắng để mọi người có thể sống theo những giá trị thật sự của họ, mà nó cảm nhận sâu sắc được. Ở trong tình trạng được kích hoạt nhất, Fi có thể trở thành người bảo vệ cho những điều đúng đắn - (Fi9). Khi đã đạt được đến mức này, Fi có thể cho rằng anh ta có quyền áp đặt những giá trị của mình lên người khác. Chức năng lương tâm cũng cần hiểu rằng đôi khi con người cần phải bị tổn thương trong thời gian ngắn, để có thể đạt được những giá trị dài hạn (Te). Fi cũng cần hiểu rằng rất nhiều những "sự thật hiển nhiên" của nó được phản ánh trong những giá trị xã hội (Fe), nhưng có một số thì không, và nó có thể phải tìm cách để thích nghi với điều đó. Tự chấm điểm Thang điểm: (Copy y nguyên của @Ngón Cạnh Ngón Trỏ ) 5 - Tôi thấy thoải mái, hiệu quả khi làm điều này và tin tưởng vào kết quả mà điều này mang lại. 4 - Tôi nỗ lực và cần suy nghĩ khi làm điều này, thường thì tôi có thể tin cậy vào kết quả. 3 - Tôi có thể làm điều này lúc nào thực sự cần, nhưng tôi không hứng thú hay đề cao nó lắm. Thi thoảng, kết quả mà tôi nhận được cũng đáng tin, nhưng tôi không chắc chắn khi nào mình nên dựa vào đó. 2 - Tôi hiếm khi làm việc này và thường không cảm thấy thoải mái khi phải dựa vào kết quả nhận được từ nó. 1 - Tôi không biết gì về hành vi này. Câu hỏi: Fi1: Tôi sử dụng cảm xúc của tôi một cách chủ quan để xác định những điều quan trọng với mình. Fi2: Tôi tìm kiếm những thứ quan trọng với mình, những giá trị sâu thẳm bên trong tôi. Fi3: Tôi nhân thức được những giá trị thật sự mà mọi người nên có. Fi4: Tôi duy trì sự hòa hợp nội tại và sự toàn vẹn cá nhân bằng cách tôn trọng những giá trị sâu sắc của bản thân. Fi5: Tôi biết những gì thật sự quan trọng với tôi và tôi sử dụng điều này để ra quyết định. Fi6: Tôi trân trọng mọi sự sống, cho phép mọi thứ duy trì sự toàn vẹn của nó. Fi7: Tôi đánh giá cảm xúc của mọi người bằng cách đọc cảm xúc của chính tôi về người đó. Fi8: Tôi đánh giá ý tưởng, thái độ và hành vi bằng những giá trị của tôi. Fi9: Tôi đấu tranh cho những điều đúng, dù cho việc này sẽ gây nên xung đột với Thế Giới bên ngoài và có thể làm tổn hại những mối quan hệ. Nếu điểm của bạn trong một mục nhỏ hơn 3 thì bạn nên cải thiện nó. Nếu điểm của một mục = 3, bạn có thể muốn cải thiện nó cho đến khi bạn thành thục và cảm thấy thoải mái mỗi khi dùng nó. Các hoạt động phát triển Cảm xúc hướng nội - Fi. Sử dụng cảm xúc của bạn đế xác định những điều quan trọng, những giá trị sâu thẳm của bạn (Fi1) - Lên danh sách 5 điều mà bạn sẵn sàng dành rất nhiều năng lượng cho nó, thậm chí là cả mạng sống. Không liệt kê những thứ mà người khác cho rằng bạn nên sống chết theo đuổi - chỉ có bạn mới biết thứ gì quý giá nhất với bạn thôi. - Nghĩ xem bạn quan tâm cái gì một cách mãnh liệt nhất - điều khiến bạn làm mọi thứ để bảo vệ nó. - Lên danh sách 5 điều mà người khác nói với bạn rằng nó cực kỳ quan trọng, nhưng bạn lại không thấy chúng có giá trị gì. - Lần tới khi bạn bắt đầu làm gì đó cho người khác, hỏi bản thân bạn tại sao bạn lại làm vậy, và bạn sẽ có được lợi ích gì khi làm những điều đó. Nếu bạn nhận ra bạn không thích làm những điều đó, hoặc những lợi ích đạt được có nguy hại đến những giá trị của bạn, thì đừng làm nữa! - Khi bạn thấy một ai đó cố tình làm tổn thương người khác, ví dụ như trên một chương tình tivi, hãy cho phép bản thân bạn thể hiện cảm giác đau nhói trong tim. - Cho phép bản thân bạn cảm thấy dễ chịu (thậm chí là vui thích) khi nghe một ai đó đánh giá đúng các giá trị của bạn, hoặc nhìn thấy một người hành xử phù hợp với các giá trị của bạn. - Khi một ai đó nói rằng bạn đã hành động với sự toàn vẹn, hãy thưởng thức lời khen đó. - Tập trung vào cảm xúc của bạn. Giữ chúng lại. Gọi tên chúng và đánh giá xem nó liên quan đến giá trị gì của bạn. Đánh giá những gì quan trọng với bạn (Fi2) - Lên một danh sách những giá trị mà bạn nắm giữ. Trong số này, những giá trị nào bạn vẫn sẽ giữ khi mà thậm chí những người thân nhất với bạn (mẹ, cha, bạn bè, cha xứ...) đều không ủng hộ. - Lên danh sách những điều quan trọng với bạn (những gì bạn trân trọng) trong công việc. Xếp hạng các giá trị đó theo mức độ quan trọng. Đánh dấu những giá trị mà công việc hiện tại đã thỏa mãn chúng. Trong những giá trị này, những giá trị nào là đến từ môi trường và văn hóa xung quanh bạn, những giá trị nào là đến từ bên trong bạn? - Nói chuyện với một ai đó mà bạn có thể tin tưởng. Cố gắng để cả 2 đều chia sẻ những sự kiện quan trọng nhất cuộc đời của mình. Hãy nhìn vào sâu bên trong xem những giá trị nào ở bên trong đó. Đánh giá những giá trị phổ quát (Fi3) - Cẩn thận lắng nghe một người khác chia sẻ những giá trị của người đó. Kiểm tra xem chúng phù hợp với những giá trị bạn đến dường nào. Nói lại cho người đó về cách mà bạn hiểu 2 hệ giá trị của 2 người. - Xác định những niềm tin của bạn mà bạn nghĩ mọi người nên có. Ví dụ, bạn có nghĩ rằng con người không nên cố ý làm hại những người khác? - Xác định những lý tưởng bên trong bạn mà bạn muốn cả Thế giới này nên bắt chước. - Nghĩ thử xem một Thế giới hoàn hảo của bạn sẽ như thế nào. Những giá trị nào mà nên được nắm giữ rộng rãi trong Thế giới hoàn hảo này. - Lên một danh sách những giá trị mà bạn nghe người khác thổ lộ. Chỉ ra những giá trị mà bạn tin tưởng vào. Duy trì sự toàn vẹn (Fi4) - Suy nghĩ xem việc hòa làm một với bản thân bạn có ý nghĩa gì. - Thể hiện sự cam kết với những giá trị của bạn. Ví dụ, nhớ về những hành động của bạn vài tháng gần đây và tự hỏi mình liệu những hành động này có thực sự phù hợp với giá trị của bạn không. Nếu không thì nên làm thế nào? Bạn có sẵn lòng thay đổi hành vi của bạn không? - Luyện tập nói không với bản thân của bạn trước gương. - Chiến dịch chỉ nói "không" là một ví dụ tốt về cách để duy trì sự toàn vẹn của một người. Lần tới, khi bạn được nhờ làm một điều gì đó, mà bạn thấy có gì không đúng, đơn giản hãy nói không! - Luyện tập nói "tôi muốn X" với bản thân bạn trước gương. X có thể là đi xem phim, đọc sách, ở một mình tối nay, hoặc là bất cứ thứ gì bạn muốn. - Lần tới nếu bạn được hỏi bạn muốn làm gì, hãy nói "Tôi muốn X". - Khi một ai đó xung quanh bạn làm gì đó làm tổn hại những giá trị của bạn, hãy để ý xem bạn duy trì sự toàn vẹn như thế nào. - Học cách nhận diện tình huống khi những giá trị của bạn bị mâu thuẫn với một ai khác, và hãy tránh những tình huống này. VÍ dụ, học cách tránh trả lời những câu hỏi mà không có cách nào để trả lời mà không làm tổn hại một vài giá trị của bạn. Bạn có thể nói cái gì đó tích cực về những chủ đề khác. Sử dụng những giá trị của bạn để ra quyết định (Fi5) - Mỗi khi bạn ra quyết định, kiểm tra xem điều đó có hợp tình không và có phù hợp với giá trị của bạn không. Ủng hộ người khác duy trì sự toàn vẹn của họ (Fi6) - Lần tới khi bạn yêu cầu người khác làm điều gì đó, và người đó nói không, thì đừng làm khó họ nữa. Bạn có thể làm tổn hại giá trị của họ. Nếu người đó đủ thân thiết với bạn, hỏi rằng tại sao người đó lại không thích làm vậy. Nếu bạn phát hiện ra 2 bạn có những giá trị khác nhau, hãy cảm hơn người đó vì đã chia sẻ những quan điểm của họ. - Khi một người gặp rắc rối, hãy lắng nghe tích cực với hi vọng sẽ giúp người đó xác định được điều đó liên quan đến những giá trị nào. Sau khi xác định được, giúp họ định lượng những hành động sẽ giúp họ vừa giải quyết vấn đề, vừa duy trì được những giá trị. Cảm nhận một cách chủ quan về tình trạng cảm xúc của người khác (Fi7) - Nếu bạn tin rằng một ai đó đang cần hỗ trợ, tiến đến và ngồi cạnh họ. Bạn có thể không cần nói gì cả, hoặc cũng có thể hỏi "Mọi chuyện ổn chứ?". - Khi bạn đi cùng một người bạn và bắt đầu cảm thấy rất buồn, lo lắng, hứng hởi, tức giận hay bất kỳ cảm xúc mạnh mẽ nào, hãy hỏi người bạn đó xem họ đang cảm thấy như thế nào. Bạn có thể phát hiện ra rằng bạn đồng cảm rất tốt đấy. - Nếu bạn trải nghiệm một cảm xúc mạnh mẽ, nhận thức rằng những người khác cũng có thể có cùng một cảm xúc với bạn. Nếu bạn có thể, dành một chút thời gian trò chuyện với họ để xem liệu bạn có thể cảm nhận được cảm xúc của họ có giống mình không. - Tìm một danh sách các từ để diễn tả cảm xúc (ví dụ: tức điên, buồn bã, vui mừng, và sợ hãi). Sử dụng danh sách đó, dán nhãn cho những cảm xúc của riêng bạn. Tập luyện gọi tên những cung bậc cảm xúc của bạn và người khác. Đánh giá ý tưởng, thái độ và hành vi chống lại những giá trị (Fi8) - Nghĩ đến những hành vi của gười khác thân thiết với bạn, hoặc đang làm việc với bạn, mà bạn nghĩ là đã tổn hại đến giá trị của bạn. Bạn đánh giá gì về những hành vi đó? Bạn đánh giá gì về người đó? - Nghĩ xem liệu có một ai mà bạn biết đã đề xuất một ý tưởng mà đi ngược lại những giá trị cốt lõi của bạn. Bạn đánh giá gì về ý tưởng này? Bạn đánh giá gì về người này? Chiến đấu cho lẽ phải (Fi9) - Nếu bạn có thể, tìm một sự việc phù hợp với những gía trị cốt lõi của bạn. Tìm một cách để hỗ trợ cho sự việc đó, mà không biến mình thành người lãnh đạo - hãy là người hỗ trợ. - Thách thức những quyết định mà trái ngược với giá trị của bạn. - Thách thức hành động của bạn bè nếu nó trái ngược với gía trị của bạn. - Lượng giá những giá trị của các hội nhóm bạn ủng hộ. Liệu bạn có muốn ủng hộ tiền của mình để họ chiến đấu vì những giá trị này?
Fi 1, 2, 3, 4, 5 nghe trừu tượng quá, có ví dụ không ? Tôi nhận ra mình là Fi vì vì tôi thấy mình khác với Ti, họ có những suy nghĩ riêng tàn nhẫn hơn, thực dụng hơn. Ví dụ Ti nói tao nuôi chó tao xích nó lại cho nó dữ, cốt gặp người lạ nó mới sủa to, sẵn sàng nhào vào cắn. Vì Ti này chỉ quan tâm tới mục đích, không quan tâm nhiều tới tâm trạng con chó. Tôi thì khác, tôi cảm nhận nó bị xích, bị tù túng sẽ rất buồn chán, không vui vẻ. Trải nghiệm bản thân - Fi7. Để cảm được người khác, trừ phi bạn đã trải qua chuyện đó rồi. Không thì bạn phải tĩnh lặng, và lắng nghe. vì.....topic chỉ nhắc đến Fi như là một chức năng đánh giá, nhận diện cảm xúc, cảm nhận cảm xúc của người khác. Nhưng một điểm chung mình thấy ở các Fi là khả năng tưởng tượng mơ mộng. Nó là nền tảng cho sự sáng tạo. Nhưng cũng là mầm mống cho sự ảo tưởng. Vì khi mơ mộng, tưởng tượng, Fi sẽ phóng đại mọi thứ lên rất RẤT nhiều. Họa sĩ sẽ thể hiện nó qua những bức tranh, ca sĩ dồn cái hồn vào bài hát, rồi nhạc sĩ sẽ thể hiện nó qua những ca từ. Nó cho bạn ý tưởng, nhưng cũng làm bạn dễ mất tập trung, chơi dao có thể đứt tay. vì.....để thể hiện được những mức độ Fi như vậy, cần tĩnh lặng, một đối một.
Về chuyện chung thủy hay không ? Với mình, đó là sự đấu tranh. Hoặc đấu tranh, hoặc buông bỏ. Bỏ luôn thì khỏi phải ham nữa. Nay thích cô này, mai cảm cô kia là chuyện thường. Có một sự thật thế này. 3 ESFP mình gặp, nam, đều có điểm chung: nói chuyện tán gái thì câu từ cứ tuôn nhìn cứ như là chuyện dễ dàng. Họ có chung tình không, không rõ ? Nếu một trong những giá trị của Fi đó là thành thật, trung thành,....có thể họ cũng có giá trị chung thủy trong tình yêu. Và vì đây cũng là giá trị chung của xã hội. Nhưng....họ cũng còn một cái khác đó là ham vui, ham hưởng thụ, ham sướng. Và một đặc điểm nữa của những người sống bằng cảm xúc, đó là họ dễ nhàm chán với những cảm xúc cứ lặp đi lặp lại, và họ có xu hướng nghĩ ra cái mới. Cái này là tự nhiên, là khả năng sở trường của Xi, cộng với khả năng tưởng tượng phóng đại mọi thứ lên rất nhiều lần. Nên rất dễ bị.......đứng núi này trông núi nọ, cô hàng xóm lúc nào cũng ngon hơn vợ mình. Các bạn thấy giới nghệ sĩ, diễn viên cứ nay hợp, mai tan không. Và còn lắm câu chuyện hôn nhân gia đình khác. Không phải họ không muốn chung thủy. Nhưng khi gặp đối tượng mới, mọi thứ đều mới, vui vẻ, thì tự nhiên con tim sẽ có sự ưu tiên của nó. Trong các câu chuyện, các cô gái khi bị phát hiện ngoại tình đều khóc lóc, đó là khi họ cảm thấy tội lỗi, đau đớn cho họ và cho người kia. Nhưng cái bản năng, chúng ta là vẫn là động vật mà, mới là thứ mạnh nhất, nên khi nó trỗi dậy. Mình nghĩ rằng cảm xúc của nó còn mãnh liệt hơn hơn cả cái cảm giác chung thủy mà cứ rấm rức trong lòng thế kia. Dù biết là không phải nhưng cứ làm. Yếu đuối. Bạn lo lắng người kia có chung thủy hay không à, hỏi nhiều, suy tính nhiều coi chừng nhát đấy. Giống như việc mình lên đứng hát trước lớp. Lúc ở dưới thì run thôi rồi, nhưng khi lên hát, lâm trận rồi thì mọi thứ không khủng khiếp như mình tưởng. Vì trí tưởng tượng hại mình quá trời. Chờ càng lâu, nỗi sợ càng lớn. Nếu bạn đã đọc đến đây, cám ơn, mọi sự đều là để tham khảo. Vì đây chỉ là bài viết của một thằng chưa yêu.