Vẫn trên con đường từ trường về nhà quen thuộc ấy, nhưng hôm nay Nhân không đi cùng với lũ bạn ồn ào tiếng cười đùa nữa. Cậu lặng lẽ đạp chiếc xe đạp, vừa đi vừa nhìn trời và suy nghĩ vẩn vơ. Đối với một học sinh lớp 7, thì có lẽ suy nghĩ về chuyện cuộc đời, ý nghĩa của sự sống và cái chết có vẻ hơi sớm. Nhưng đó chính xác là những gì Nhân đang nghĩ. Cậu có một gia cảnh bình thường, một thành tích nổi bật ở trường, và những thằng bạn rất vui vẻ, không lo nghĩ. Cậu cũng chắc chắn không phải vì một lý do nào đó mà rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý. Chỉ đơn giản là Nhân đang nhìn những đám mây trôi lờ lững trên bầu trời buổi chiều, ngắm những chiếc lá thỉnh thoảng rơi bởi những làm gió cô đơn, thơ thẩn nói một câu: “Loài người tồn tại làm gì nhỉ? Mình sống làm gì nhỉ? Vài chục năm sau, mình sẽ sinh con, và nuôi con lớn, rồi mình sẽ chết mà không để lại bất kỳ một dấu vết gì trên Trái Đất, cứ như những chiếc lá kia. Rồi con mình sẽ lớn, nó sẽ đẻ con và nuôi con nó lớn. Nó cũng sẽ chết và biến mất như hạt cát giữa sa mạc. Quả là một vòng lặp. Vòng lặp này có ý nghĩa gì nhỉ?”. Ý nghĩ ấy thoáng qua như một phút ngẩn ngơ của một đứa trẻ. Nó nhanh chóng quên những điều ấy đi, và quay lại cuộc sống với những bài toán, bạn bè, những lời khen của thầy cô, những giải thưởng "cao quý". Có vẻ chỉ cần những thành tựu nho nhỏ như vậy là đủ làm một đứa bé cảm thấy cuộc đời thật đong đầy ý nghĩa. Ý nghĩa về cuộc đời - câu hỏi mang đầy tính triết học ấy, đối với Nhân lúc này có lẽ đơn giản là kiến thức toán, lý và các thành tựu trong học tập. Nhưng, có vẻ có một gì đó đang lớn lên và đang thay đổi dần dần trong tâm hồn cậu bé. Lớp 11, vẫn là phòng học quen thuộc như bao ngày, bỗng nhiên một câu hỏi xuất hiện trong đầu Nhân “Học cho giỏi để làm gì? Đào sâu để làm gì khi điểm tuyệt đối chỉ cần những kiến thức cơ bản là đủ? Và đằng nào mình chả đậu đại học, học nữa để làm gì?”. Đối với một ai đó, thì điều này có vẻ hơi kiêu ngạo, nhưng tin tôi đi, trong thâm tâm của cậu nhóc 17 tuổi này, không hề có ý kiêu ngạo. Thực tế, cậu vẫn rất trân trọng những bạn khác, rất muốn học hỏi từ mọi người, cũng như việc cậu ta nghĩ ai cũng có điểm đặc biệt của riêng mình. Chắc đó cũng là lý do cậu được cả lớp yêu quý. Câu hỏi về sự nỗ lực của mình bất thình lình xuất hiện, cũng mở đường cho hàng loạt những câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống quay lại với cậu. Nhân quay sang cậu bạn Từ kế bên - một người mà Nhân luôn cảm thấy khác biệt với mọi người, Nhân muốn chia sẻ suy nghĩ này với cậu bạn, và muốn cậu bạn cảm nhận được những gì mình đang cảm thấy. Nhưng, không hiểu tại sao thái độ tích cực của Từ đã làm Nhân muốn kéo Từ xuống những cảm xúc khó hiểu của mình, muốn làm Từ cảm thấy thật tiêu cực. Đây là điều, mà mãi sau này Nhân vẫn còn nhớ và cảm thấy có lỗi, dù rằng cậu không đạt được mục đích của mình, và cho dù Từ đã quên từ lâu. Xin lỗi Từ! Từ đó, Nhân dần dần bồi đắp thêm lòng tin cho suy nghĩ rằng sự tồn tại của loài người thật vô nghĩa. Việc này khá là đen tối với một học sinh cấp 3. Nhưng, tương tự lần trước, những suy nghĩ kiểu này không tồn tại lâu trong đầu của cậu. Đầu óc Nhân dần dần lại bận rộn với những giải học sinh giỏi, và kỳ thi đại học năm sau. Năm ấy, Nhân chọn trường học Đại học. Được rất nhiều thành tích, và được mọi người công nhận có năng lực trong các môn tự nhiên, nhưng Nhân phân vân rất nhiều về việc chọn ngành học. Thật sự cậu có muốn ngồi cả ngày trên máy để code và fix bug? Thật sự cậu có tương lai nếu theo ngành Vật Lý lý thuyết? Hỏi ý kiến bạn bè trong những buổi nghỉ trưa ở khu bán trú? Lời khuyên của bọn nó như đấm vào đít vỗ vào mông. Dù có thật lòng và có ý tốt nhưng thật sự thì đó không phải là những thứ mà Nhân muốn nghe. Và rồi với nhiều chuyện xảy ra, cậu đã chọn ngành kinh tế!? Lên đại học, với nhiều thời gian rảnh hơn, được tiếp xúc với nhiều điều mới lạ hơn. Thứ làm Nhân hứng thú nhất vẫn là tìm hiểu về bản thân. Cậu có thể ngồi xuyên đêm, ngày qua ngày chỉ để tìm hiểu cái lý thuyết phân loại nhân cách với các ký hiệu lằng ngoằng của ông Jung thật sự là gì. Quao, có vẻ thú vị, nhưng khi tìm hiểu xong, mọi thứ có vẻ vẫn chưa đủ. Cậu lục tìm thêm nhiều nhiều lý thuyết khác để khám phá bản thân. Cho đến một ngày, cậu tự nhận thấy là mình có thể tự đánh giá bản thân mình tốt hơn mấy mớ lý thuyết và công cụ này. Không phủ nhận những lợi ích và những sự giúp đỡ những lý thuyết này đã mang lại cho cậu, nhưng giờ đây cậu đã bắt đầu tự xây dựng lên hệ quan điểm, hệ giá trị của mình. Và trong quá trình xây dựng nhân cách cho mình, cậu bắt đầu đối mặt lại với các câu hỏi nền tảng: “Loài người có ý nghĩa gì?”. Không có câu trả lời. Một thời gian sau, bận bịu với việc học và hàng loạt các dự án của câu lạc bộ, cậu quên bẵng đi chuyện này. Tưởng chừng như, đây mãi sẽ là một nỗi buồn nên thơ của cậu, một bi kịch suy tư được lãng mạng hóa trong cậu. Một điều gì đó có thể khiến cậu lạc trôi giữa dòng đời mỗi khi nghĩ đến. Nhưng với những trải nghiệm và những kiến thức học được. Với tính cách tích cực và không chịu khuất phục của mình. Một ngày, như bao ngày khác, khi được một người hỏi ý nghĩ cuộc sống của cậu là gì, cậu bỗng rành mạch trả lời một cách mạnh mẽ với cái ý tưởng không biết từ đâu đến: “Sự tồn tại của loài người thật sự không có nghĩa lý gì hết với cái vũ trụ này. Nhưng ý nghĩa tồn tại của từng cá nhân thì chắc chắn có, và hệ ý nghĩa này hoàn toàn được xác định do chính bản thân người đó.”. Ý nghĩa đó có thể là một đam mê, có thể là một gia đình hạnh phúc hay trở thành tổng thống. Không quan trọng, quan trọng là người đó phải tự xác định cho mình, xa hơn nữa là xác định cho mình một cái hệ giá trị nhiều lớp. Một góc độ nào đó, đối với Nhân, đây chỉ là một cách dối lừa bản thân khỏi sự thật vô nghĩa của cuộc sống. Nhưng, bạn biết đấy, cuộc sống mà, ngu ngu tý mà hạnh phúc thì có chết ai đâu. Và, rồi người bạn kia đáp lại: “Nếu sự tồn tại của loài người không có nghĩa lý, thì việc tự tử của một số người có vẻ không phải không có lý nhỉ?”. Qoéo, kỳ lạ nhỉ? Nhân chưa nghĩ đến việc này bao giờ. Rõ ràng nghe nó có lý, nhưng Nhân lại không thích cái ý tưởng đó chút nào. Sau một hồi ấp úng, Nhân nói lại “Dù sao thì, Dopamin tiết ra khi con người vui, hệ thống sinh học đã quyết định như vậy, thì ta cứ nghe theo nó đi. Bày đặt suy nghĩ cao siêu mà đau khổ thì để làm gì. Giả ngu chút thì có sao. Mà không hẳn là giả ngu, Nhân thích gọi nó là "hiểu vấn đề tới nơi tới chốn".”. Nhân đã có một câu trả lời của riêng mình. Một câu trả lời cậu tự trả lời cho câu hỏi cậu thắc mắc từ lâu. Và một khi đã xác định được triết lý của mình, cậu trở nên mạnh mẽ, yêu đời và lạc quan hơn. Mặc dù cậu không hoàn hảo, cậu từng làm rất nhiều điều sai, đối xử với nhiều người không tốt, và tương lai có thể vẫn tiếp tục. Mặc dù còn rất trẻ, sau này trên đường đời còn nhiều khủng khoảng phải đối mặt. Nhưng chúng ta hãy tin rằng Nhân bây giờ đã đủ mạnh mẽ để không lạc mất niềm tin, để vượt lên trên tất cả và sống một cuộc sống hạnh phúc. ----Surphi10----
truyện này dựa trên bản thân hơi nhiều :v những truyện sau hi vọng tiến bộ về cả phần fiction và non-fiction