Đây là một bài viết mang nhiều màu sắc cá nhân nhưng cũng đáng để xem qua vì so với những bài viết khác mình từng đọc thì nó mang một cái nhìn sâu hơn và mới mẻ hơn về INFJ. Cụ thể là tác giả, theo như các bài viết về INFJ của ông ấy, bác bỏ hình ảnh thiên thần mà các miêu tả khác thường hay khoác vào tính cách INFJ (vốn là lí do chính vì sao nhiều người thích “lầm tưởng” mình là INFJ như vậy). Thay vào đó là một cái nhìn trần trụi và cực đoan hơn. Cá nhân mình thấy những đặc tính của INFJ riêng trong bài viết này có xu hướng unhealthy ở một số điểm những xét về tổng quan thì những chi tiết này đáng cân nhắc cho các INFJ đang trong quá trình phát triển bản thân. Mình không có kinh nghiệm dịch nên nếu có sai sót các bạn thông cảm. Các bạn có thể đọc bài gốc ở đây. Ngoài ra, các bạn hãy comment ý kiến cũng như kinh nghiệm thực tế của mình về sự khác nhau giữa hai type này để chúng ta cùng nhau xem xét. INFJ vs INFP Tác giả: Stellar Maze Bài viết này dành cho các bạn đọc giả đang gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa INFJ và INFP. Sự nhầm lẫn này rất thường xảy ra, nguyên nhân chính là do cách đặt tên của MBTI. Dù có chữ J (Judging) trong tên gọi nhưng thật sự INFJ thuộc loại tính cách nhận thức (Perception) và ngược lại, tuy có chữ P ở cuối nhưng INFP thuộc loại tính cách đánh giá (Judging). Thay vào đó, J hay P trong tên gọi dùng để chỉ chức năng thứ hai (Auxiliary function) của nhóm tính cách hướng nội, vốn dĩ luôn là những chức năng hướng ngoại. Tôi nghĩ rằng cách gọi tên này thật ngu ngốc và góp phần gây nên sự nhầm lẫn hơn bao giờ hết. Thật ra việc phân biệt hai loại tính cách này rất dễ nếu bạn nắm được những biểu hiện đặc trưng của mỗi loại. Còn nếu chỉ dựa vào bốn chữ cái trong tên gọi của chúng thì không đời nào bạn làm được. Vậy nên những gì bạn cần là chút kinh nghiệm trong việc nhận ra những đặc trưng đó. NHÓM TÍNH CÁCH LÝ TƯỞNG INFJ và INFP có điểm chung là cả hai đều thuộc nhóm tính cách lý tưởng. Nói theo kiểu chiêm tinh học thì nhóm này được cai quản bởi Hải Vương Tinh. Ngoài ra trong nhóm này còn có ENFJ và ENFP. Tất cả đều thuộc kiểu Cảm xúc trực giác (Intuitive Feeling). Nếu chỉ dựa vào bốn chữ cái trong tên gọi thì INFJ và INFP có rất nhiều điểm tương đồng với nhau. Cả hai đều hướng nội (I), thiên về trực giác hơn cảm giác (N), cảm xúc hơn lý trí (F). Vậy suy ra chỉ còn J với P là điểm duy nhất tạo nên sự khác biệt giữa hai loại tính cách. Đây là chỗ gây hiểu lầm nhiều nhất. Chúng ta cần học cách đánh giá chúng như hai thực thể riêng biệt thay vì những bản chắp vá của nhau. LÃNG MẠN CỨNG VÀ LÃNG MẠN MỀM Điểm khác biệt đầu tiên tôi có thể thấy là cứng với mềm. INFJ thuộc kiểu lãng mạn cứng. INFP thuộc kiểu lãng mạn mềm. Những gì có thể làm bạn liên tưởng tới lãng mạn mềm là sự đa cảm, dễ rung động, những ánh mắt long lanh ngấn lệ, cái nhìn đắm đuối chứa chan tình yêu trong ánh nến ấm áp, những tấm thiệp viết tay, sự nũng nịu, những cái ôm ngọt ngào, v.v… Mặt khác, sự lãng mạn của INFJ lại khác biệt tới mức chẳng ai thấy nó lãng mạn gì hết. Họ là những kẻ lãng mạn cứng. Họ có thể thử trải nghiệm cái chết để biết được cảm giác ngàn cân treo sợi tóc. Họ có thể yêu say đắm hoặc khạc nhổ không thương tiếc vào cái mà họ gọi là tình yêu đó. Họ có thể đẩy mọi thứ đến cực điểm chỉ để coi nó chạm được tới đâu. Đó là sự lãng mạn của INFJ. INFJ mơ về những điều họ có thể làm để thay đổi thế giới, INFP mơ được trốn đến một thiên đường bí mật xa thật xa nơi này. INFJ thích tưởng tượng rằng mình sẽ trở thành một nghệ sĩ tài giỏi và có ảnh hưởng lớn đến xã hội. Họ mơ được đắm mình trong ánh hào quang trong khi người người ca tụng về họ như một cá thể xuất sắc. Những giấc mơ của INFJ thường có tính ích kỉ như vậy. INFP thì đơn giản hơn nhiều. Những gì họ ao ước là một mối tình như mơ, một tổ ấm được trang trí tiện nghi và hài hòa theo tính cách của họ. Nếu họ có mong muốn thay đổi thế giới đi nữa thì họ cũng tránh các vị trí chủ chốt vì họ không thích làm tâm điểm của sự chú ý. INFP chỉ đơn giản là muốn thế giới này nhẹ nhàng, tình cảm và phong phú hơn. INFP căm ghét bạo lực. Nếu bạn muốn một INFP không nói chuyện với bạn nữa thì cứ thử hành động thô lỗ trước mặt họ xem, chắc chắn là họ sẽ đóng sầm cánh cửa cảm xúc với bạn (nếu chưa là bạn của nhau thì còn dễ hơn nữa). INFP chỉ là không thể tiêu hóa được bất cứ loại bạo lực nào. Chính vì thế họ hay có xu hướng ăn nhạt hơn so với bình thường. INFJ mặt khác lại khá hứng thú với bạo lực, hoặc ít ra cũng không phản đối. Thường thì họ không phải là những kẻ gây sự nhưng họ lại có xu hướng thích chơi với những kiểu người như thế. Điều này làm họ thấy thú vị. INFJ dễ dàng cởi mở với người khác hơn. Đó là một trong những điểm làm họ khác INFP. Họ không cẩn trọng như INFP khi hình thành các mối quan hệ mới. INFJ sẽ đi thẳng vào vấn đề. Họ sẽ nói là “Hãy xem chúng ta thật sự là ai”. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi INFJ có sự liên kết với chức năng thứ cấp Fe. Ngược lại thì INFJ sẽ là một trong những loại tính cách khó tiếp cận nhất vì họ rất thận trọng đối với mục đích và ý đồ của người khác. Dù là thế nào đi nữa thì họ vẫn có xu hướng cực đoan trong cả hai trường hợp. INFP thường thăm dò mọi thứ trước khi bắt đầu một mối quan hệ mới. Thế nên họ sẽ mất một khoảng thời gian kha khá để trở nên thân thiết với người khác. Trong khi đó, chỉ cần 5 phút tiếp xúc là INFJ có thể quyết định rằng họ có hứng thú tiến xa hơn nữa hay không. Về khoản phán xét người khác thì INFP thua xa INFJ. Nếu INFP không muốn dính líu với một người nào đó thì là do họ thận trọng chứ không phải vì họ có những đánh giá tiêu cực. Khác với INFJ, INFP thường lần lựa và trì hoãn trong việc đánh giá người khác. INFP thường thích những điều tươi đẹp. Khi đau buồn họ sẽ chìm đắm trong sự thê lương, sầu thảm và tăm tối. Còn INFJ khi đau buồn hoặc sẽ trở nên lạnh như băng hoặc sẽ rất bạo lực. Ý TƯỞNG VÀ LỢI ÍCH CỦA Ý TƯỞNG Một sự khác biệt đáng nói giữa hai loại tính cách này nữa là INFJ thiên về tri thức và triết lý nhiều hơn INFP, họ thường hay suy nghĩ về các vấn đề sâu xa. INFP sẽ thấy khó khăn và rối rắm hơn khi suy nghĩ về những thứ đó. Bàn luận về các chủ đề thuần lý thuyết sẽ khiến INFP thấy nặng nề và vô nhân tính. Họ thấy điều đó thật vô nghĩa. INFP chú ý hơn tới tính ứng dụng của những ý tưởng. Chúng có mang lợi ích gì cho họ không? Chúng sẽ tác động đến họ như thế nào? INFJ thì không quan tâm lắm đến những thứ đó. Họ chỉ muốn được thỏa mãn trí tò mò. (còn tiếp)
TRONG TÌNH YÊU Có nhiều điểm khác nhau trong cách yêu của INFJ và INFP. INFP yêu theo kiểu truyền thống. Tình yêu của họ trải qua những giai đoạn điển hình mà những mối quan hệ lãng mạn hay có. Điều họ tìm kiếm trong tình yêu là sự đồng nhất giữa hai tâm hồn. Họ cần một mối quan hệ nhẹ nhàng bình yên hơn là những trải nghiệm mãnh liệt và dữ dội. INFJ thì khác. Họ thường dính vào những mối quan hệ có phần kịch tính với sự lên xuống thất thường và có nguy cơ tan vỡ. Bởi vì INFJ chỉ thật sự cảm thấy được tình yêu đó khi người họ yêu sắp lìa xa hoặc đã hoàn toàn biến mất. Đó mới là lúc họ yêu nhiều nhất. Loại tình yêu này quá khốc liệt đối với một INFP vốn nhạy cảm, INFP phù hợp với kiểu tình yêu nhỏ giọt đều đều hơn là một cơn lũ như thế. INFP cần thời gian để nuôi dưỡng tình cảm, họ sẽ từ từ cởi mở bản thân với người yêu theo năm tháng. Vì thế khi có trục trặc gì xảy ra, họ sẽ rất đau khổ và điều đó có thể ăn sâu vào tim. INFJ cũng sẽ rất đau khổ với mức độ sâu sắc hơn nhưng việc này không kéo dài lâu, sau đó họ lại có thể đứng dậy với con tim lành lặn, sẵn sàng yêu thêm lần nữa. MƠ MỘNG VÀ THỰC TẾ INFP hay quan tâm tới mấy thứ New-Age ví dụ như dreams catcher, pha lê, những sinh vật huyền bí và các loại quà lưu niệm. Chúng nó mang tới cảm giác nhẹ nhàng và bảo vệ họ khỏi thực tế khắc nghiệt. INFJ lại rất quan tâm tới thế giới bên ngoài. Họ sẽ không khoái mấy thứ hippy kể trên lắm. Họ muốn đào sâu vào thực tại để xem mọi thứ có trông như bề ngoài của nó không. Họ muốn thử thách sức chịu đựng của bản thân trong thế giới này. Trớ trêu thay, tuy INFJ có cái nhìn thực tế hơn INFP nhưng họ lại khó tác động vào nó vì chức năng hạ cấp của họ là Se. Cơ chế hoạt động của Se hạ cấp giúp INFJ nhìn thấy mọi thứ rất rõ ràng nhưng lại cản trở họ trong hành động. Cách duy nhất để INFJ tác động vào thực tế là truyền tải ý chí của họ qua một tác phẩm nghệ thuật mà trong đó người ta có thể thấy phản chiếu những gì mà INFJ thấy. INFJ có thể mơ về một ngày được trở thành người hùng thay đổi thế giới nhưng điều này sẽ khó mà xảy ra với cách thiết lập chức năng của tính cách này. INFP thường là một nhân viên ổn định và hiền lành hơn INFJ. INFP có thể kiên nhẫn trong một thời gian dài và lặng lẽ hoàn thành việc của họ. Bởi vì điều họ mong muốn nhất là được trốn khỏi thực tại hơn là thay đổi nó, cho nên họ sẽ cam chịu cho đến khi được về nhà và đắm mình trong thế giới riêng của họ. Có nhiều INFP biểu hiện khác hẳn hoàn toàn khi họ ở nhà so với khi ở thế giới bên ngoài. Bạn sẽ không biết được có điều gì kì bí đang diễn ra trong đầu của những con người nhu mì hiền lành này đâu. TỬ TẾ THẬT VÀ TỬ TẾ GIẢ INFP luôn rất tử tế với mọi người, có thể nói là tử tế nhất trong 16 loại tính cách. Họ thành thật, quan tâm đến những người họ yêu quý, ngây thơ và vô tư như những đứa trẻ. INFJ thì có khả năng là một trong những đứa đê tiện và ích kỉ nhất mà bạn từng gặp. INFJ luôn trông có vẻ dễ gần và tử tế nhưng đó chỉ là do chức năng Fe đang trình diễn. Sâu bên trong họ là một nhận thức mù mờ về đạo lý, họ có thể làm những thứ khiến INFP co rúm vì sợ hãi. Đó là một trong những điểm mạnh của INFJ, họ sẽ không vì luân lý mà gạt bỏ ý nghĩ hay tầm nhìn của mình ngay cả khi cảm xúc của họ bị tổn thương. Cảm xúc đối với họ cũng quan trọng nhưng không có tính cốt yếu như INFP. Một INFP rất ngại đối mặt với những tình huống đe dọa đến sự bình ổn và an toàn của họ. Còn INFJ sẽ đi tìm những tình huống đó. Từ những nhận định này, ta có thể thấy rằng điểm khác biệt cơ bản giữa hai loại tính cách này nằm ở bản năng sinh tồn. INFJ rất liều, họ có những hành vi thách thức cái chết. Đối với INFP hành động này rất nguy hiểm và không cần thiết. Một INFJ sẽ rất chú ý đến địa vị của mình trong xã hội. Họ quan tâm tới việc đạt được tham vọng và quyền lực hoặc ít ra thì họ cũng rất hứng thú tới cách chúng hoạt động. INFP thì chỉ muốn làm một người bình thường và hoàn toàn không có đam mê với quyền lực. Họ luôn hướng về những điều bình dị, nhẹ nhàng và êm đẹp trong cuộc sống. Họ thích sự yên bình và không tài nào hiểu được vì sao lại có chiến tranh hay vì sao người ta lại cần phải tranh giành lãnh thổ và quyền lực. Mahatma Gandhi là một đại diện xuất sắc cho INFP trong việc thể hiện thành công lý tưởng của họ - đấu tranh phi bạo lực. Ngược lại, INFJ không phản đối bạo lực, hoặc ít ra là họ cũng tỏ ra lưỡng lự về sự cần thiết của bạo lực trong những trường hợp đặc biệt. Nói chung là INFJ sẽ mơ hồ hơn INFP khi đụng đến vấn đề luân lý và đạo đức. INFP có chức năng nhận thức chính là Fi nên họ sẽ có sẵn những quy chuẩn đạo đức rất khắt khe và khó lay chuyển. Còn INFJ, khi có nhận thức sâu hơn sẽ gạt bỏ nền tảng đánh giá này (dù rằng họ rất trung thành với nó khi còn trẻ). Bạn có thể thấy rằng cuộc đời của INFJ là một chuỗi những đắn đo và cân nhắc về tính xác đáng của các quy tắc đạo lý. Ít ra thì họ cũng thường thắc mắc về nó, còn INFP thì không. INFP ngay từ khi còn trẻ đã tự hình thành những chuẩn mực bất biến cho bản thân và họ không bao giờ nhượng bộ. Chỉ có một khối lượng áp lực rất lớn từ bên ngoài mới có thể làm cho INFP suy xét lại những quy chuẩn đó.
Ấy chết, cũng có vài chỗ giống giống, không khéo là INFJ thật : v Hoặc cũng có thể F-T có xu hướng gần cân bằng. Ngoài ra cũng có xu hướng thích tưởng tượng ra tg ảo như INFP, nhưng lại thích đem khoa học, logic gắng vào thế giới đó cho đến khi nó "tương đối hợp lý" thì mới thôi.
mình nghỉ 2 đoạn này k chuẩn đâu, INfj có hệ giá trị rất riêng và tách biệt với dòng chảy của xã hội, họ có xu hướng tâm linh. Riêng mình là người cầu toàn trong sự tối giản..
1. Nếu bạn có đọc bài dịch thì hai type này rất dễ phân biệt. Bạn nên biết rõ về chức năng nhận thức (cognitive function) vì cả 2 type không có chức năng nào giống nhau. (INFJ: Ni Fe Ti Se vs INFP: Fi Ne Si Te). 2. Đúng là INFP có phong cách ăn mặc đơn giản hơn INFJ, nhưng không có nghĩa là minimalistic (tối giản), đơn giản khác với tối giản nhé. Và điều đó cũng không đồng nghĩa với việc INFJ sẽ tiêu xài xa xỉ và sống xa hoa. Nếu bạn biết cách tiêu dùng thông minh thì bạn vẫn có thể sử dụng dịch vụ tốt với giá rẻ. Chốt lại thì INFJ sẽ quan tâm nhiều hơn tới giá trị vật chất so với INFP vì họ có Se ở vị trí thứ 4 trong function stack, còn INFP có Se ở vị trí thứ 7. 3. Bạn sai hoàn toàn khi nói rằng INFJ ít để ý kĩ tới ngôn ngữ cơ thể và sắc thái của người đối diện. Thật ra mà nói thì INFJ hơn INFP về khoản này. Lý do: INFJ có Auxiliary Fe.
Thấy toàn là bias. Cách biểu hiện của core ra môi trường bên ngoài rất đa dạng, nó ko cố định 1 core nào phải biểu hiện như thế nào. Mấy bài kiểu này nói toàn biểu hiện bề nổi, kiểu thấy vài người như vậy xong suy ra ai cũng như vậy.
Có lẽ cần 1 cách định nghĩa mới để thoát khỏi cái bias. Cái đầu tiên là cần thoát khỏi suy nghĩ kiểu tuyệt đối "type này thì như thế này" "không như thế này thì không phải type này". Định nghĩa về functións nữa. Miêu tả về function khá là thiên về khả năng, nên chưa thấy khách quan lắm