Mấy ngày nay tự kỷ đọc sách thì hôm qua cũng vừa đọc xong cuốn sách Tôi đúng, bạn sai – Giờ thì sao? (tên tiếng Anh là I’m right, You’re wrong, Now what?: Break the impasse and Get what you need). Ban đầu tôi đến với cuốn sách này đơn giản cũng vì tò mò cái tiêu đề. Có rất nhiều trường hợp trong cuộc sống bạn nghĩ rằng mình đúng, còn người kia thì sai. Nó diễn ra ở bất cứ đâu: trong gia đình, trường học, nơi làm việc hay là giữa những người bạn với nhau. Bản thân tôi cũng vậy. Đặc biệt là trong những lần tranh cãi với gia đình, khi mà có những điều ba mẹ tôi nói rất là vô lý và tôi thường tranh luận với họ. Sau đó thì sao, họ bắt đầu la mắng, chửi bới gọi ta là đồ mất dạy, uổng tiền ăn học…. Tôi nghĩ rằng có lẽ bạn cũng đã từng trải qua như vậy. (Ở đây tôi không muốn nói là tôi hoặc bạn luôn đúng trong trường hợp đó, chỉ là kết quả của những lần như vậy là gì? Có lẽ chúng ta rất hiếm khi nào đạt được điều mình cần, và nếu có chăng nữa thì có lẽ cũng trả giá bằng mối quan hệ. Như tôi là gần như bây giờ rất ít khi nào tôi thảo luận bất cứ vấn đề gì với ba mẹ mình). Khi tôi bắt đầu đọc cuốn sách, nó mở ra những thứ có thể bạn sẽ thấy quen thuộc thôi (ví dụ như là Lắng nghe, điều mà hầu như các sách đều nói đến từ Đắc nhân tâm hay 7 thói quen thành đạt). Đã lâu tôi không đọc 2 cuốn kia nhưng ở đây tôi được cảm nhận 1 góc nhìn rất khác của Lắng nghe, nó đưa tôi một góc nhìn sâu sắc hơn rất nhiều. Cuốn sách sẽ cho bạn biết về các cuộc Tranh luận lành mạnh (nơi mà cả 2 bên đều có sự tôn trọng lẫn nhau) trở nên Độc hại 1 cách nhanh chóng như thế nào. Gần đây nhất tôi có thể thấy như chuyện về bé Đỗ Nhật Nam hay clip về Sự trăn trở của 1 kẻ lười biếng. Tôi chưa từng coi toàn bộ clip về cả 2, bản thân tôi không có hứng thú lắm về những sự kiện bên ngoài nhưng khi tôi đọc qua các bình luận trên facebook hay youtube. Tôi thấy hầu như các bình luận đều nói về cá nhân. Chẳng hạn như bé Đỗ Nhật Nam có 1 lời phát biểu rằng “Không nên đọc truyện tranh nhiều, mặc dù truyện tranh đôi lúc cũng có tác dụng, nhưng như lời mẹ em nói là:”Con sâu đục phá tâm hồn”. Tôi thấy có rất nhiều bạn phản bác với bạn ấy, và các bạn hầu như đều cho rằng các bạn đúng, còn bé Đỗ Nhật Nam đã phát ngôn một câu bừa bãi (tôi phải thừa nhận tôi cũng rất thích đọc truyện tranh từ còn bé và ở đây tôi cũng sẽ không bàn luận là nó có đục phá tâm hồn hay không) . Tuy nhiên các bạn hầu hết chỉ nói là bé nói:”Con sâu đục phá tâm hồn”. Chứ tôi rất ít thấy bất cứ ai suy xét lại cả câu nói trên, bản thân bé ấy cũng thừa nhận là nó cũng có 1 chút tác dụng, chỉ là vì mẹ bé dạy bé như vậy thôi. Câu hỏi tôi muốn đặt ra ở đây là: Trong trường hợp này, cứ xem là các bạn đúng, bé Nam sai thì rồi sao? Các bạn công kích bé ở mọi nơi có được gì không? Điều các bạn mong muốn là gì? Bảo vệ quan điểm đọc truyện tranh không hẳn là xấu, hay muốn người lớn và bé nhận ra điều đó? (Trong trường hợp này thì không cần thiết phải giải quyết nhưng nếu như câu nói đó phát ra từ ba mẹ bạn thì sao?) Cuốn sách này sẽ không bàn đến các vấn đề to lớn như thay đổi nhận thức của 1 cộng đồng, 1 xã hội. Nó sẽ tập trung vào các cuộc tranh luận giữa con người hằng ngày với nhau: ba mẹ và con cái, đồng nghiệp, thậm chí là với những nhân viên bán hàng, cảnh sát, đặc biệt là với những người bạn yêu quý… Tôi rất ngạc nhiên và không hiểu tại sao là tôi bật khóc khi đọc đến ví dụ này. Dan và Rachel là một cặp vợ chồng đang cãi nhau có nên chuyển tới Chicago (nơi mà Dan có thể làm công việc anh hằng mong ước dù hiện tại lương cũng đã cao). Rachel sợ là việc đó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của 2 đứa con đang tuổi đi học. Và điều này đã làm hai người bất đồng và có nhiều cuộc cãi lộn. Rachel buộc tội Dan ích kỷ, tầm nhìn hạn hẹp và không quan tâm đến nhu cầu của 2 đứa trẻ. Dan cũng buộc tội Rachel ích kỷ, tầm nhìn hạn hẹp và đã không hy sinh nhiều như anh để giữ cho mối quan hệ của họ được tốt đẹp. Sau nhiều lần cãi vã thì Rachel đã dùng Lắng nghe có cân nhắc và thu hẹp khoảng cách: “Nếu em nghe đúng, thì những gì anh nói là anh đã hi sinh nhiều hơn em cho chúng ta và anh nghĩ bây giờ đến lượt em cần phải làm thế. Có phải không”, cô hỏi. “Đừng mỉa anh”, Dan nói, vẫn cảm thấy đề phòng Không có ý mỉa mai mà là tò mò, Rachel trả lời “Em không mỉa anh. Em chỉ thực sự muốn hiểu. Em nghĩ anh nói là anh đã từ bỏ nhiều thứ hơn em. Đúng vậy không?” “Đúng. Như anh nói, khi em nhận được việc làm đầu tiên, anh đã phải chuyển việc vì em” “Từ từ đã. Em nghĩ là em đã hiểu. Em có thể nhắc lại những gì em nghĩ là anh vừa nói không?” “Được thôi” Dan trả lời, vẫn thấy tức giận và có chút nghi ngờ. “Thẳng thắn mà nói, Dan, em đang thực sự lắng nghe anh, và có vẻ như anh thấy anh đã từ bỏ nhiều hơn và anh muốn em phải đền đáp lại. Anh thấy em không sẵn lòng làm vậy. Đúng khôg?” “Đúng, cơ bản là vậy,” anh nói, có vẻ bình tĩnh hơn nhiều. (Vậy là cuộc cãi vã đã hạ nhiệt nhưng cả 2 vẫn đang cố thủ với ý kiến bản thân. Sau đó để Rachel cảm thông cho Dan, Xavier đã yêu cầu Rachel tưởng tượng mình đang thuật lại câu chuyện dưới vai trò của Dan) Rồi sau một thoáng ngập ngừng cô nói, “Tôi tức giận vì vợ đã không coi trọng mình.” “Dan, anh có cảm thấy giận dữ vì chuyện gì khác nữa không?” (Xavier đang hỏi Rachel khi cô đóng vai Dan để đào sâu hơn) “Tôi giận vì vợ tôi nghĩ rằng tôi không quan tâm đến việc bọn trẻ con phải chuyển trường, bởi vì tôi thực sự là tôi có quan tâm. Tôi có thể làm bất cứ điều gì vì bọn trẻ. Tôi có thể chết vì chúng”. Khi nói điều này, đôi mắt của Rachel ngân ngấn lệ. “Vậy Dan đang cảm thấy gì” Xavier hỏi. “Anh ấy – tôi thực sự rất buồn. Tôi cảm thấy tổn thương vì cô ấy lại có thể nói những điều đó về tôi.” Tôi chỉ xin phép được nêu ra một đoạn nhỏ này. Tôi bật khóc có lẽ vì không biết bao lần tôi đã không hiểu cảm xúc của người khác, của ba mẹ, của chị tôi. Gần đây nhất tôi rất bất ngờ khi được anh Duy (có thể nói là bạn trai của chị tôi) có nói với tôi rằng, “chị em lo cho em lắm, gọi điện thoại cho anh khóc, lo là không biết nó qua kia một thân một mình không có ai quan tâm”. Tôi rất ngạc nhiên bởi lẽ tôi và chị tôi đã có hàng trăm cuộc cãi vã từ nhỏ đến lớn và tôi cũng chưa bao giờ nghĩ chị mình lại lo cho mình như vậy. Khi đọc cuốn sách tôi nhận ra có quá nhiều điều mình đã bỏ sót trong cuộc sống, rơi vào các trận tranh luận thắng thua vô nghĩa mà quên mất mục đích cuối cùng là gì. Chỉ vừa mới đây là với một người tôi yêu quý, tôi đã vô tình tranh luận về chuyện tình cảm (thứ mà họ không hề muốn tranh luận), mặc dù tôi cảm thấy mình không hề sai về mặt lý lẽ. Nếu người đó có đọc được những dòng này thì cho mình xin lỗi một lần nữa vì đã gây ra cảm xúc không tốt cho bạn. Lời kết, tôi mong bạn nếu có cơ hội hãy thử và tìm đọc cuốn sách này. Tôi chắc rằng nó sẽ giúp bạn không nhiều cũng ít, bởi lẽ trong cuộc sống có những cuộc Tranh luận ta có thể bỏ qua, nhưng cũng có những cuộc Không thể lờ đi mà vẫn phải giải quyết. Tôi hy vọng bạn không phải trả giá cho những cuộc tranh luận đó quá nhiều như tôi đã từng. Chân thành cảm ơn việc bạn đã đọc bài viết này và mong nhận được những góp ý, phản hồi của bạn.
Xin chào! Mình chưa đọc cuốn sách này bao giờ. Mình củng rơi vào trường hợp giống như hầu hết mọi người. GIA ĐÌNH. Và qua bao nhiêu quá trình lột xác kiến thức. Mình nhận ra rằng. Những người không cùng quan điểm với nhau. Tranh cãi vô ích. Trừ khi mình và người kia mở rộng tầm nhìn thì mọi chuyện có vẻ đơn giản hơn. Về gia đình và bản thân mình là 2 thế hệ khác nhau. Tức nhiên tranh cãi, mình sẽ bị thiệt, vì hầu như người lớn (đa số châu á) rất khó để mở rộng tầm nhìn. Trước khi biết được điều đấy. Mình có xu hướng là có thể thay đổi được quan điểm của ba mẹ. lol nhưng rất tiếc, quan điểm này ko khả thi cho lắm, và nó dành cho những bạn cứng đầu (và được gọi là chỉ nhìn mọi thứ theo 1 hướng, không có hướng thứ 2) Mình từng đọc được câu nào đó, chẳng nhớ nó là danh ngôn hay cái quái gì @@. Chủ yếu là nội dung. Đại khái là bạn chẳng thay đổi được thế giới trừ khi bạn thay đổi cách nhìn về nó. Tức nhiên là phải hiểu động cơ người khác. Vd như gia đình mình. Ba ,mẹ chửi rủa thì mình nghĩ: Àh! Chắc là quan tâm mình lắm đây!. Thế thôi Nói thiệt chứ, nói dễ lắm. Gặp vào trướng hợp như vậy, mình dễ nỗi điên lên thế là banh. Hy vọng giúp ích cho những bạn thích mở rộng kiến thức thông qua bạn bè!
Vì không cùng quan điểm, nên nếu muốn hiểu nhau phải ngồi xuống và phân tích sự khác biệt, đặc biệt là với phụ huynh có tính bảo thủ cao thì rất khó. Nhưng không phải là không thể. Chỉ là chúng ta có tìm hiểu cách để làm điều đó hay chỉ 1 2 phương pháp là từ bỏ. Còn đúng là bạn đừng nên bao giờ cố gắng thay đổi quan điểm người khác. Phần lớn mọi thứ chỉ thay đổi khi chúng ta thay đổi thôi và người khác cũng đang muốn thay đổi thôi. Mình là một người cứng đầu, nhưng mình không phải là người chỉ nhìn về 1 hướng. Mình dành thời gian để giải thích cho ba mẹ mình hiểu quan điểm của mình, mình cũng giải thích cho ba mẹ mình là mình hiểu quan điểm họ như thế nào. Rồi mình thay đổi bản thân dần dần tốt hơn. Ba mẹ mình dần dần cũng nhìn nhận quan điểm mình hơn. Chứ không phải là chúng ta cho rằng không có cách là không bao giờ giao tiếp hay giải thích, cố gắng giải quyết mâu thuẫn với nhau nữa. Như vậy mình không cho rằng đó là một mối quan hệ mà nó chỉ có vẻ là một mối quan hệ ở bề mặt thôi. Mâu thuẫn khó có thể giải quyết nhưng vì là mối quan hệ quan trọng thì mình sẽ dùng hầu hết khả năng của mình để giải quyết nó. Và qua biết bao lần mâu thuẫn đó mà bây giờ ba mẹ và mình, phần lớn đều cởi mở hơn khi nói chuyện về những cái không đồng tình của nhau. Bởi lẽ đơn giản, mình không muốn mối quan hệ đó càng ngày càng trở nên xa cách vì mình đã từng làm như bạn rồi.
Cách này tuyệt đấy. Rất sâu sắc. Mình ko nói bạn là người nhìn về 1 hướng. Cái đấy chỉ là mình nói mình ý. Và chú yếu để làm nền cho cái cách kia thôi. Thường thì chuyện lặt vặt như lười biếng (bản tính mình là thế), hay làm xàm hoài, chẳng sửa được vì thế mình thường bị mắng, thế là mình đành suy nghĩ theo hướng khác, và thế là chẳng có tranh cãi nổ ra. Àh mà nếu áp dụng cái của bạn thì cần thời gian và có vẻ là cách triệt để nhất. Nhưng trong giai đoạn làm điều đấy, thì đành làm cách kia thôi
@Nguyễn văn H ừa . Miễn là còn cân nhắc nó là tốt à... chớ mình thấy 1 số gia đình ba mẹ với con cái gần như không nhìn mặt nhau... thì mình cũng không biết phải thế nào nữa.
Mỗi một cuốn sách, một câu chuyện đều có ở đâu đó một ý nghĩa riêng, chỉ là đôi khi người ta nghĩ rằng ý nghĩa đó không đủ cho những đồng tiền mà họ đã bỏ ra, tôi không cảm thấy giống hẳn vậy, tôi chỉ không co nhiều tiền, và tôi cũng không rõ quyển nào là phù hợp nhất với tôi, nên tôi không mua ^_^ nghe ki kẹt quá! Cơ mà, với câu chuyện mà cậu đã kể, làm tôi khá xúc động, dù không tới mức khóc hay là kinh ngạc giống như bừng tỉnh khỏi đám sương mù hay kiểu trẻ trâu người ta hay gọi, nhưng là làm tôi nhớ đến câu nói đã từng nghe, rầng hạnh phúc với những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống, còn có những cảm xúc giản đơn gì đó mà con người ta dành cho nhau, đại loại vậy, không nhớ rõ nữa, nhưng chắc nó chỉ về rằng con người ngoài những người ích kỉ chỉ nghĩ cho mình thì vẫn còn rất nhiều người tốt, hoặc có lẽ tôi lại giải thích sai, ý tôi giống như là con người là ích kỉ, nhưng họ cũng mong muốn cho người khác vui vẻ chăng?? Hoặc là ngoài những hoài bão ước mơ thì còn gì đó mà những con người thời nay hay quên mất?? Không rõ nữa, cũng không nói nữa, về chuyện này Ý tôi muốn viết, lý do tôi viết bài này ý, bỏi vì tôi nghĩ bản thân giống cái này nè tôi không có tình cảm với gia đình tôi đó, xin lỗi vì viết thiếu ^_^
Thực sự là rất mệt mỏi khi nói chuyện kiểu đúng sai như thế này, tớ không thích tranh luận thắng thua mà cũng có thể nói tớ không giỏi trong lĩnh vực này. Với tớ kẻ ngu dốt không phải là kẻ kém hiểu biết mà là kẻ bảo thủ quá mức đến mức gạt đi ý kiến người khác trước khi kịp nghe tính logic của nó. Tớ cũng là một trong những kẻ ngu dốt ấy . Giao tiếp hằng ngày bây giờ chủ yếu tập trung vào phân định thằng thua, đặc biệt ở những thành phố lớn, bây giờ nó đã trở thành 1 đấu trường cho các luật sư không chuyên thể hiện . Cuối cùng, kẻ thắng sẽ thống trị tri thức mặc dù nó sai lè, kẻ thua dù không phục cũng phải theo và sự thật mãi mãi bị chôn vùi . (có vẻ hơi mất niềm tin vào loài người lol)
Nếu 2 bên cùng lắng nghe thì còn cơ hội giải quyết vấn đề. Khi 1 bên dùng cái quyền của mình giống kiểu ba mẹ sinh ra con nên con phải nghe ba mẹ, k cho mình kịp trình bày thì kiểu bảo thù này khó thể thương lượng. Chưa chắc ba mẹ đã thương con, hoặc chồng thương vợ, mà tình thương ở đây được đưa ra với lí do che lấp cái mục đích của họ sự kì vọng của họ vào đối tượng khác cái giấc mơ hoặc cái điều mà họ k làm được đc áp đặt kỳ vọng lên người khác, và họ cho rằng đó là tình thương đó là điều tốt nhất họ cho người khác. Cái bất đồng này khá lớn, đó là sự kiểm soát. Những người thế này theo mình thường k có cơ hội giải thích. Câu chuyện trên thật hay nói về tình cảm đích thực, theo mình sự yêu thương thật sự đến từ sự tôn trọng thông qua sự lắng nghe và cảm thông. ^_^