[ENTJ] Mô tả tính cách ENTJ (Dr. A.J. Drenth)

Thảo luận trong 'MBTI' bắt đầu bởi Thuytien, 23/3/15.

  1. Thuytien

    Thuytien Guest

    Chú ý:

    - Bài được dịch từ trang web: ENTJ Personality Type Profile , CHỈ ĐƯỢC post tại đây ( http://mbtivietnam.net/ ) và ლ SEXIA JUN ლ | be my SEXIA .
    - TN = Translator’s note = Chú ý của người dịch, được in nghiêng, đặt trong ngoặc và tô màu xám. Phần chú giải có thể không đầy đủ hoặc chưa chính xác, nếu mọi người phát hiện lỗi sai hãy comment dưới post cho mình, mình sẽ xác nhận lại thông tin và chỉnh sửa sao cho phù hợp.
    - “Tôi” trong bài viết ý chỉ Tác giả, không phải Người dịch.

    ~~~o~~~o~~~

    Những người thuộc nhóm tính cách ENTJ là những nhà lãnh đạo bẩm sinh. Họ thẳng thắn, quyết đoán và phóng khoáng. Họ có thể trở nên nản lòng và thiếu kiên nhẫn khi mọi chuyện không diễn biến theo kế hoạch hay tiến trình định trước, gợi ra những định nghĩa về tính cách “Nhóm A” (Tính cách nhóm A là chỉ những người có tính cạnh tranh, không kiên nhẫn, ưa kiểm soát). Với sự có mặt của ENTJs, mọi người có thể cảm thấy như đang bị thúc giục, vội vã, như thể ENTJ luôn muốn “xử nhanh diệt gọn” vậy.

    Giống như ESTJ, ENTJ kiên định, thẳng thắn và ngoan cố một cách lộ liễu. Đôi khi, họ có thể trở nên hà khắc, lỗ mãng hoặc thiếu nhạy cảm. Mặc cho sự tự tin và vẻ ngoài oai nghiêm, họ cũng chẳng hề cảm thấy an toàn hay chắc chắn về bản thân hơn những nhóm tính cách khác. Trong thực tế, bởi chức năng đánh giá nội tại (Fi) là Chức năng Hạ cấp, họ có thể cảm thấy họ có rất ít sự kiểm soát đối với phần bên trong. Nhận ra sự khó khăn này, họ, một cách tự nhiên, rời toàn bộ sự chú ý sang các hoạt động bên ngoài và hi vọng sự kiểm soát có thể đem đến cho họ sự điềm tĩnh và sự an toàn trong tâm thức. Dĩ nhiên, kiểm soát Thế Giới bên ngoài chưa bao giờ thực sự dễ dàng, điều này đã góp phần khiến ENTJ có xu hướng luôn lo lăng và đề phòng ở mức độ cao.

    Không giống như ENFJ, các ENTJ không sẵn sàng chia sẻ vì những lợi ích cộng đồng (thứ được thúc đẩy bởi Cảm xúc Hướng ngoại – Fe) mà thay vào đó họ dựa vào khiếu hài hước (được cung cấp bởi Chức năng Hỗ trợ – Trực giác Hướng nội Ni) để lấy lòng mọi người. Các ENTJ có thể trở thành người trình diễn, người dẫn chuyện tuyệt vời. Không dễ bị nản lòng bởi những xung đột hay tranh cãi (thực ra họ thích được nhìn nhận là người sắc sảo và khiêu khích), họ thích đẩy mọi thứ tới giới hạn, điều này nhiều khi khiến người khác cảm thấy tổn thương hay bị xúc phạm.

    Trong khi các ENTJ có thể trở nên hài hước trong thời điểm thích hợp, họ, xét trên tổng thể, khá nghiêm túc trong cách tiếp cận cuộc sống. Chức năng Chủ đạo của họ – Tư duy Hướng ngoại (Te) đem lại định hướng làm việc mạnh mẽ. Như chúng ta sẽ tìm hiểu kĩ càng hơn, Tư duy Hướng ngoại (Te) tìm cách áp đặt trật tự, tính hợp lý và năng lực lên Thế Giới và sự vận hành của nó. Vì vậy, giống như các INTJ, ENTJ thường bị cuốn hút bởi khoa học, hoặc ít nhất là đề cao giá trị của các công cụ tiêu chuẩn ấy. Một trong những điểm nổi bật của Tư duy Hướng ngoại (Te) là nhu cầu về việc mọi thứ cần được định nghĩa, đo lường, định lượng một cách rõ ràng. Điều này kết hợp với sự đam mê của họ với các chiến lược và cạnh tranh có thể biến ENTJ trở thành một chiến lược gia, nhà quản lý vượt trội. Các ENTJ thường được tìm thấy là một trong các giám đốc điều hành các công ty lợi nhuận.

    Sự dư dả về của cải và địa vị xã hội cũng là một động lực đối với ENTJ. Điều này có thể được xem là căn nguyên, ít nhất là trong phần này, thứ dễ dàng được nhận thấy từ Chức năng Thứ cấp của họ – Se. Mặc dù trạng thái chính của họ là trực giác, ENTJ vẫn ham mê những thứ trần tục. Họ, không khác những nhóm khác là bao, thích sở những những tòa nhà cao cấp hay tận hưởng những kì nghỉ xa hoa cho đến khi ngân sách của Te vẫn còn có thể chi trả được. Vì vậy ENTJ chắc chắc thích làm việc chăm chỉ, nhưng cũng thích chơi hết mình.

    Chức năng và phát triển tính cách của ENTJ

    Chủ đạo: Tư duy Hướng ngoại (Te)

    Hỗ trợ: Trực giác Hướng nội (Ni)

    Thứ cấp: Giác quan Hướng ngoại (Se)

    Hạ cấp: Cảm xúc Hướng nội (Fi)

    Giai đoạn I (Thanh thiếu niên và những năm đầu 20 tuổi)

    Giai đoạn này được đặc trưng bởi sự xuất hiện và phân hóa Chức năng Chủ đạo của ENTJ, Tư duy Hướng ngoại (Te). Ngay từ những năm đầu đời, ENTJ đã là những người chú trọng mục tiêu. Họ luôn tham vọng và tìm kiếm thành công trong bất cứ việc gì họ làm. Nghiêm túc với mục tiêu và trách nhiệm, họ thường học tốt ở trường và không hề sợ hãi đảm nhận vai trò lãnh đạo.

    Trong giai đoạn này, ENTJ có thể đặc biệt thiếu linh hoạt và bảo thủ. Họ đánh giá và đưa ra kết luận về thế giới một cách nhanh chóng. Bởi những đánh giá của Tư duy Hướng ngoại (Te) chưa được kiềm chế bởi Chức năng Hỗ trợ và Chức năng Thứ cấp Tiếp nhận.

    Giai đoạn I của ENTJ có sự khác biệt rõ rệt so với giai đoạn I của INTJ. Vì Chức năng Chủ đạo của INTJ là một chức năng Tiếp nhận (Ni), họ có xu hướng thụ động hơn và ít nghiêm túc trong cuộc sống hơn các ENTJ. Trong giai đoạn I, INTJ quan tâm hơn tới việc thu nhận thông tin và khám phá thế giới (Ni), trong khi ENTJ tập trung vào định hình và phát triển nó (Te).

    Giai đoạn 2 (Cuối 20 và những năm 30 tuổi)

    Khi Chức năng Chủ đạo Te đạt tới sự mạnh mẽ và thống trị nhất định, Chức năng Hạ cấp của ENTJ – Cảm xúc Hướng nội (Fi), bắt đầu tham gia và thể hiện vai trò lớn hơn. Điều này có thể gây bối rối bởi Fi không phải chức năng tiếp theo trong chuỗi chức năng của họ. Sự ảnh hưởng quá mức này bắt nguồn từ mối quan hệ lưỡng cực của nó với Chức năng Chủ đạo Tư duy Hướng ngoại (Te). Không may thay, sự ảnh hưởng của Te lên tới đỉnh điểm trong giai đoạn II này, ngay trong khoảng thời gian họ đưa ra những quyết định về nghề nghiệp và các mối quan hệ có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống. Cuộc chiến Te-Fi của ENTJ sẽ được làm sáng tỏ ở phần sau.

    Đi kèm với sự hiện diện và ảnh hưởng ngày càng lớn của Fi, giai đoạn II này, ENTJ cũng phát triển Chức năng Hỗ trợ của họ, Trực giác Hướng nội (Ni). Khi họ gặp phải vấn đề phức tạp và các tình huống đòi hỏi sự kiên nhẫn và phản xạ, họ nhận sự hỗ trợ từ Ni. Khi đó, họ cố gắng có cái nhìn tốt hơn và kết hợp bức tranh toàn cảnh (Ni) với quá trình Đánh giá Te của họ. Khi họ phát triển khả năng giả định các quan điểm khác nhau và thấu hiểu toàn cục, họ trở nên điềm tĩnh hơn khi đánh giá và thể hiện sự sáng suốt và tầm nhìn trong từng quyết định.

    Trong giai đoạn này, ENTJ cũng có thể đồng thời bắt đầu phân biệt và kết hợp với Chức năng Thứ cấp của họ – Giác quan Hướng ngoại (Se). Với ENTJ, Se thể hiện nhiều hơn sự thoải mái, lối tư duy mở trong những phát xét. Nó giúp họ nới lỏng sự kìm kẹp cuộc sống của họ, kiềm chế bản năng không ngừng quản lý thế giới bên ngoài (Te).

    Giai đoạn III (những năm 30, 40 tuổi trở đi)

    Nếu mọi việc suôn sẻ và họ đủ may mắn để bước sang giai đoạn III, ý thức của ENTJ được nâng cao một cách rõ rệt sự sắc bén của Chức năng Hạ cấp Cảm xúc Hướng nội (Fi). Cùng với sự tăng cường nhận thức của Chức năng Hạ cấp và học cách sử dụng chúng một cách an toàn như các ENTJ khác, họ dần trở nên ngày càng cân bằng giữa Tư duy Hướng ngoại (Te) và Cảm xúc Hướng nội (Fi), cùng với đó họ sẽ trải nghiệm được sự hòa bình và trọn vẹn (T/N: thứ mà khi trẻ họ chưa đạt được vì chức năng cảm xúc nội tại kém phát triển.).

    Chức năng Chủ đạo của ENTJ: Tư duy Hướng ngoại (Te)

    Tư duy Hướng ngoại (Te) được xếp vào Chức năng Chủ đạo và được ưa thích nhất của ENTJ. Nó dẫn đến xu hướng nhanh chóng đưa ra phán xét và ý kiến cá nhân của mỗi ENTJ cho cả thế giới nghe, đúng theo nghĩa đen (vd: đưa ra phán quyết, lời kết, quyết định, v..v..). ENTJ nói trước khi nghe, phát xét (J), trước khi tiếp thu (P).Điều này có thể là lợi thế, cũng có thể là điểm yếu của họ. Theo một cách nào đó, nó có thể làm họ trở thành những nhà lãnh đạo mạnh mẽ, can đảm, trong khi theo một cách khác, nó có thể góp phần vào sự thô lỗ và thích kiểm soát của họ. Nó cũng có thể khiến ENTJ sẵn sàng đưa ra những quyết định và đánh giá thiếu chín chắn. Họ có thể nói những điều mà khi nhìn lại, họ sẽ muốn ngăn bản thân lại, hoặc ít nhất là làm nó dễ nghe hơn.

    Như đã đề cập trước đó, Te sinh ra để áp đặt trật tự và sự hợp lý lên thế giới bên ngoài. Đó là các định lượng trong tự nhiên, đưa đến một chuẩn mực khách quan và đích đến có thể đo lường được. Hiếm khi thấy sự mơ hồ hay mập mờ, họ luôn hướng đến những quy định, kế hoạch, thủ tục rõ ràng. Mặc dù Chức năng Hỗ trợ Ni có thể mang đến một số suy nghĩ “mở” nhất định, các ENTJ vẫn mong đợi mọi thứ được thực hiện dựa trên những kế hoạch và nguyên tắc của Te. Sau cùng, nếu có quá nhiều sự tự do được chấp thuận, họ sẽ cảm thấy hệ thống không hoạt động đúng như mức độ hợp lý và hiệu quả mà họ mong muốn.

    Te đồng thời cũng tham gia vào định hướng công việc cho các ENTJ. Là một nhóm tính cách có Chức năng Chủ đạo T, các ENTJ phần lớn đều nghiêm túc, tập trung thay vì thư giãn, dễ tiếp thu. Ngay cả trong những ngày họ không phải chịu trách nhiệm với thế giới bên ngoài, họ vẫn rất nhanh chóng bắt tay vào làm một việc gì đó. Giống những nhóm tính cách có Chức năng Chủ đạo là chức năng phán xét (J), ENTJ không giỏi trong việc thư giãn và không làm gì cả.

    Chức năng Hỗ trợ của ENTJ: Trực giác Hướng nội (Ni)

    Giống như những nhóm sử dụng trực giác khác, ENTJ luôn định hướng trước tương lai, phấn đấu cho điều gì đó xa hơn. Họ có suy nghĩ hướng về phía trước và dễ dàng thay đổi định hướng, cảm thấy nhảm chán và không an tâm khi mọi thứ trở nên lặp đi lặp lại, quá suôn sẻ và tầm thường.

    Thay vì nghĩ về Ni với nghĩa “trực giác”, điều đôi lúc hàm chứa mặt nữ tính, ENTJ có thể sử dụng những từ ngữ như “bản năng” hay “tin vào bản thân”. Không giống Ne, họ không thường đưa ra nhiều sự lựa chọn mà thay vào đó là những giải pháp chắc chắn. Ni đem lại sự hội tụ và độc lập ở mực độ cao. Vì vậy, ENTJ, cũng như các NJ khác, thường cảm thấy tự tin rằng những câu trả lời hay tầm nhìn Ni của họ là xác thực và đáng tin cậy.

    Giống như INTJ, các ENTJ không chỉ được ban cho khả năng cách ly và phân tích chi tiết cụ thể (Te) mà còn có thể giữ được tầm nhìn rõ ràng về toàn bộ hệ thống (Ni), bao gồm cả hệ thống phân cấp bậc và sự tương quan của từng phần. Trình độ của họ trong việc nhìn thấy cả bức tranh toàn cảnh (Ni) và từng chi tiết (Te) khiến ENTJ trở thành bậc thày về chiến lượng, phân tích và lên kế hoạch.

    Phát triển tốt Ni không chỉ giúp ENTJ có những tầm nhìn tốt hơn mà còn giảm khả năng đưa ra kết luận vội vàng của họ. ENTJ có thể dùng Ni để khám phá những giả thuyết thay thế và tránh những cái nhìn một chiều do sử dụng quá độ Te. Sử dụng và phát triển Ni cho thấy một phần rất quan trọng trong sự trưởng thành, giúp họ chắc chắn những phát xét từ Te được bắt nguồn từ hiểu biết rộng và toàn diện hơn.

    Chức năng Thứ cấp của ENTJ: Giác quan Hướng ngoại (Se)

    Giác quan Hướng ngoại (Se) là một chức năng đầy xúc cảm, bản năng và thèm muốn. Nhóm Se tìm kiếm cảm giác mới lạ, sự rung động về thể xác và thoải mái về vật chất.

    ENTJ có thể có kha khá những sở thích “trần tục” như tận hưởng cảm giác mới lạ, trải nghiệm hay đạt được sự thoải mái thể xác. Họ có thể trở nên cụ thể về mặt chất lượng, ngoại hình và trạng thái của ngôi nhà và các tài sản của họ. Như những NJ khác, họ có thể bị hấp dẫn bởi những điều bình thường trong cuộc sống, bao gồm cả sự lôi cuốn đến từ lối sống sang trọng.

    Như đã đề cập, sự thật ENTJ là nhóm phát xét chủ đạo, nghĩa là Te thường lấn át bất cứ mối bận tâm Se nào. Vì vậy trong khi ENTJ có thể tận hưởng vật chất và trải nghiệm từ Se, họ thường chậm lại lại để dành thời gian cho những lịch trình đã được định hướng bởi T.

    Chức năng Hạ cấp của ENTJ: Cảm xúc Hướng nội (Fi)

    Giống như các nhóm khác, ENTJ có thể trở nên mù quáng khi Chức năng Hạ cấp ảnh hưởng đến quyết định và hành vi của họ. Không có sự nhận thức toàn diện về Chức năng Hạ cấp, họ có thể tiếp tục cảm thấy không trọn vẹn và thiếu sáng suốt khi đưa ra các quyết định trong cuộc sống, sự nghiệp và các mối quan hệ. Như một hệ quả, ENTJ tìm kiếm sự hiểu biết cá nhân và cần phải tự trưởng thành để hiểu được cách mà Chức năng Hạ cấp – Cảm xúc Hướng nội, biểu lộ trong tính cách.

    Fi kéo theo sự chú trọng đến cảm xúc, sở thích và các giá trị cá nhân. Trong tất cả các nhóm, các IFP là nhóm “chú trọng bản thân” nhất (theo nghĩa trung lập) với sự tôn trọng và mối quan tâm cho việc khám phá và quản lý những giá trị và cảm xúc cá nhân. ENTJ – những người có Fi là Chức năng Hạ cấp và phần lớn là vô thức, không hề thích thú với việc sẵn sàng tiếp cận cảm xúc và giá trị cá nhân. Giống như các nhóm có T là chủ đạo khác, cảm xúc có thể trở nên khó giữ lại hay nắm bắt đối với ENTJ. Vì vậy, trong những trường hợp sự phản hồi “tôn trọng cộng đồng” về mặt cảm xúc cần được đảm bảo, ENTJ có thể cảm thấy khá không thoải mái, bởi trải nghiệm về cảm xúc của họ thường khá yếu. Họ sau đó thường phải dùng đến Te để đưa ra những lời chia buồn hay tương tự vậy, những lời ấy nghe có chút máy móc, không hợp cảnh và cụt ngủn trong những tình huống đầy cảm xúc. ENTJ có thể phải cùng lúc phát triển khả năng chiến lược để cải thiện những tình huống đáng buồn đó, cho phép họ thoát khỏi thảm trạng cần dùng đến sự ủng hộ về mặt cảm xúc hay đồng cảm với mọi người.

    Fi cũng có liên kết với sự phát triển của hệ thống giá trị và đánh giá cá nhân, không phụ thuộc vào ngoại cảnh bên ngoài. Hệ thống giá trị và tầm nhìn cá nhân từ bên trong đem đến cho IFP sự tự tin và khả năng điều khiển nội tại. ENTJ, ngược lại, không có được cùng mức tự tin ấy bởi ảnh hưởng tự nhiên từ Chức năng Hạ cấp Fi. Bù lại, họ tập trung vào quản lý và vận hành thế giới bên ngoài. Họ, một cách bản năng, cảm thấy cách tốt nhất để điều khiển bản thân mình là thông qua việc điều khiển thế giới xung quanh, trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận của IFP. Các IFP cảm thấy khá bất lực trong khả năng quản lý thế giới bên ngoài (Te) và phản ứng bằng cách tập trung vào thế giới nội tại mà họ có thể dễ dàng nắm bắt (Fi).

    Với cách nó đó, thực sự là sai lầm nếu bạn cho rằng chức năng Fi của ENTJ không có sức mạnh hay thiếu sự hảnh hưởng. Trong khi họ có thể cảm thấy họ trải nghiệm khá ít sự kiểm soát có ý thức đối với Fi, nó vẫn có thể gây ảnh hưởng theo cách ít có ý thức hơn. Như tôi đã nói trước đó, Chức năng Hạ cấp có thể đảm nhiệm một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và định hướng Chức năng Chủ đạo, gây ảnh hưởng đến giá trị và mục tiêu của nó.

    Cụ thể hơn, chức năng Fi của ENTJ có thể buộc họ làm việc hướng tới những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Ví dụ, một ENTJ có cha mẹ đã mất trong một bệnh dịch hiếm gặp có thể quyết định trở thành một bác sĩ hay dược sĩ. Chức năng Fi của họ cũng có thể khiến họ đặt gia đình và con cái ở vị trí quan trọng hơn rất nhiều so với những gì mà người khác thường nghĩ ở một nhóm Lý trí chủ đạo. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là sẽ tốt nếu ENTJ bị điều khiển và chèn ép bởi Fi. Ngược lại, những ENTJ, chưa tính đến cả xã hội nói chung, làm việc tốt hơn trong những môi trường có thể tận dụng thế mạnh Te-Ni của họ.

    Điều không kém phần quan trọng là các ENTJ xem xét học dùng chức năng Te của mình như thế nào. Như các chức năng đánh giá chủ đạo khác, ENTJ có thể bị đẩy tới trạng thái bức bách khi cần đưa ra quyết định hay hoàn thành một nhiệm vụ. Trạng thái khẩn cấp này có thể dẫn tới những quyết định thiếu chín chắn và sai lầm, hiệu năng thấp trong công việc, hay ám ảnh một số hành vi. Chẳng hạn, ENTJ định hình sẵn những gì họ muốn đạt được trong một ngày nào đó, rồi ngay sau đó phát hiện ra dự án này lớn hơn nhiều so với họ dự định ban đầu. Nhưng khi những công việc lớn hơn đồng nghĩa với những thử thách lớn hơn, họ có thể nhắm mắt làm liều và xem họ chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ vẫn quyết định sẽ giải quyết toàn bộ công việc. Một trong những trở ngại khi họ làm vậy là họ bị khóa trong trạng thái “Đánh giá”, bất cứ sự thiên lệch về “Tiếp nhận” nào cũng có thể ngăn cản họ hoàn thành mục tiêu đã đề ra theo một lộ trình thời gian đã định sẵn. Nó cũng có thể khiến họ gạt đi tất cả mọi người mà họ cho rằng đang xâm nhập và ngăn cản họ đạt được mục tiêu.

    Để vận hành môt cách trơn tru, các ENTJ cần chắc chắn rằng họ sử dụng chức năng Tiếp nhận với khoảng thời gian thích hợp thay vì chạy đua để đạt được mục đích. Trong khi hiểu được mong muốn của họ với việc đạt được điểm kết thúc, các ENTJ có thể làm lợi cho bản thân bằng cách duy trì trạng thái mở đối với những khả năng thay thế, nhận ra rằng chức năng Tiếp nhận đang lấp vào cuộc đời họ bằng sự tinh chất và giàu có. Nó cho phép họ sống giống mọi người hơn, thay vì lúc nào cũng bám vào một lộ trình đã định sẵn. Điều này không có nghĩa là ENTJ nên ngừng việc hành xử như chính họ và biến thành ENTP, mà là hãy tìm ra sự cân bằng giữa “Đánh giá” và “Tiếp nhận”.


    ~~~o~~~o~~~

    Bởi Dr. A.J. Drenth
    Dịch: Thủy Tiên
     
    Siren, Ginny, Ngọc Tiến2 others thích bài này.
  2. Giờ anh mới nhận ra là e đã dịch xong bài này rồi sao :))
     
    Thuytien thích bài này.
  3. Thuytien

    Thuytien Guest

    Xong cả nửa năm nay =)) Nghĩ xem anh off bao lâu rồi hả hả =))
     
  4. chắc cũng gần năm :)))
     
  5. clover_vt

    clover_vt Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    24/12/15
    Bài viết:
    1
    MBTI:
    ENTJ
    bạn cho mình cái link gốc bài viết này nhé. Mình tò mò muốn đọc vài type khác nữa ấy mà ^^
     

Chia sẻ trang này

XenForo Add-ons by Brivium ™ © 2012-2013 Brivium LLC.