Tranh của Agnes Cecile Truyện ngắn, như tiêu đề. Mọi người có thể đăng truyện ngắn do tự tay sáng tác hoặc đi cóp nhặt sáng tác ở đâu đó và ghi nguồn. Mọi đóng góp hoặc cảm nhận đều được hoan nghênh. : ) : ) Mình xin post một truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư coi như là mở đầu. Sẽ có mục lục để dễ tra cứu. Ngày lành. (từ một con bé đang dở hơi và quẫn trí hết sức). Cải ơi.- Nguyễn Ngọc Tư. Lá rơi trong thành phố. - Lê Xuân Khoa. Giá không có ruồi. - Azit Nexin Rất tiếc là không xong rồi - Azit Nexin Chuyện vợ chồng.- Azit Nexin. Biết ơn vạn bội. - Azit Nexin. Người phụ nữ xã hội. - Azit Nexin. Nỗi buồn chiến tranh. - Bảo Ninh. . . .
Lời đầu của tác giả: Mỗi lần nghe câu hát “Gió đưa cây cải về trời, Rau răm ở lại…”, tôi hơi quạu, ông bà mình quá hiền lành đi, thí dụ có bị phụ phàng, thì cũng cố chanh chua, hằn học một tí , “Gió đưa thằng quỷ sứ về thành, Để tui ở lại chành ành…đắng cay”. Đau, tức vậy mà trách cứ nhẹ hều…Dường như người ta vẫn yêu, đến mức không thể giận dỗi, nặng lời. Và mình thì chưa bao giờ yêu ai đến như vậy ?!!! Cải ơi. Đoàn ca múa nhạc giải tán, thằng Quách Phú Thàn dẫn ông già Năm Nhỏ về ngã ba Sương, Thàn có nhỏ bồ mới quen bán quán ở đó. Con nhỏ tên Diễm Thương, nghe hay, mà khuôn mặt cũng ngộ, không đẹp nhưng bình thản, lạnh trơ, không ra vui, buồn, đố ai biết nó nghĩ gì. Nó hất mái tóc nhuộm vàng hoe chơm chởm như rễ tre, nhìn hai người, cười héo hắt, “Ăn bám mà kéo theo cả bầy”. Thàn cười hề hề, bảo “Ông Năm, bạn anh. Dễ thương lắm”. Đêm đó ông già không ngủ được, thằng Thàn đi chơi nửa đêm mới mò về, thấy ông ngồi khọm rọm ngồi ngoài vách mùng, điếu thuốc cháy lập lòe soi bộ râu xơ xác. Thàn mở dây giày, hỏi, “Nhớ đoàn quá, ngủ không được hả tía?”. Ông già lắc đầu, thở dài, nghe buồn xa xắc như lá rụng hoa rơi, bần thần,điệu này hỏng biết cách nào tìm cho ra con Cải. Ông đã đi tìm con nhỏ gần mười hai năm. Lúc Cải mười ba tuổi, một bữa mê chơi làm mất đôi trâu, sợ đòn, nó trốn nhà. Cả nhà tong tả đi tìm nhưng mãi con nhỏ không quay lại. Vợ ông ôm cái áo con Cải khóc, bảo chắc là ông để bụng chuyện nó là con của chồng trước nên ngược đãi, hà khắc, đuổi xua. Ông đau mà không nói được một lời, ông đã nâng niu nó khi mới thôi nôi, đã vui khi có người bảo con nhỏ giống ông in hệt (dù biết họ khen khơi khơi, khen bổng trên trời), đã sướng rơn khi nó gọi tiếng ba ơi, con Cải đi rồi, ông đã xuống nước mắt khi đi qua chiếc giường trước kia nó ngủ. Có bữa, ông hì hụi ém mùng, rồi ngồi một góc, nhìn chiếu gối thênh thang, lòng chết điếng vì nỗi nhớ con, vì lo nó lưu lạc giữa đời. Như thế mà ông không thương nó sao ? Như thế mà là không thương à? Nhà buồn u buồn ám, vì đã ít người rồi bây giờ lại chẳng nhìn, chẳng cười nói với nhau. Sau, người ta còn đồn đãi ông giết con nhỏ rồi lấpở một chỗ đất nào, họ kìn kìn lại coi (ai mà giàu tưởng tượng vậy không biết). Ông khăn gói bỏxứ ra đi, bụng dạ đinh ninh dứt khoát tìm được con Cải về. Ai dè, biển người mênh mông. Mỏi chân, ông xin làm sai vặt trong đoàn ca múa nhạc, để trước giờ diễn, ông mượn cái micronói vài câu “Cải ơi, ba là Năm Nhỏ nè con...”. Bữa nào thằng Thàn nhớ nhà, nghe câu ấy nó cũng rướm nước mắt, bảo “con thương ông già con quá, tía ơi”. Hôm đi ba Thàn còn cầm khúc bình bát bằng cổ tay rượt nó chạy ngời ngời, nhảy xuống đò, nó ngoái lại nói để con làm ca sỹ nổi tiếng cho ba coi, thấy ông dứ cây lên trời. Hai năm, ông già đã chỏng đầu cây xuống đất, tựa vào đó để bước đi, tên tuổi Thàn mờ mịt. Thàn bùi ngùi, người ta Quách Phú Thành nổi tiếng Hồng Kông, tui thiếu có chữ h, lẹt đẹt bên hông Chợ Lớn. Nhiều bữa hát ế ngoi ngóp nằm nghe mưa dầm, nhiều bữa đứng soát vé bị bọn du đảng địa phương rượt chạy xịt khói, Thàn muốn về nhà nhưng xấu hổ, sợ ông già cười khơ khơ khơ, hỏi “Con ơi, mầy nổi tiếng chưa mà trồi đầu về đây rồi?” Y hệt, ông già Năm Nhỏ cũng có nhà mà không về được. Đã đau quá trời đất rồi, cái cảnh bà con hàng xóm xầm xì, chỉ trỏ, người ở xa dập dìu thuê đò dọc lại nhà ngó ngiêng, đâu, thằng cha giết con đâu ? Đâu, con nhỏ bị chôn chỗ nào? Ở gần thấy đông đúc nên bưng bánh dừa, trà đá đến bán. Đã quá chừng đau, khi ông nhìn sâu trong ánh mắt của vợ mình thấy không còn lấp lánh thương yêu, chỉ tối tăm những ngờ vực, hoài nghi, và bữa ông đi, bà đứng giữa nắng trưa, cuốc đất. Chỗ đất còn mới tinh ông vừa lên liếp, chỗ người thiên hạ ngó nhau, con Cải bị vùi dưới đó… biết đâu… Nên ông Năm Nhỏ trụ lại ngã ba Sương, tiếp tục cuộc kiếm tìm. Ông mướn một cái nhà thấp, nhỏ nhưổ mối, vừa đủ hai người còm nhom chui ra chui vào. Ông vét túi trên túi dưới sắm một chiếc xe kẹo kéo có dàn nhạc xập xình, kéo thằng Thàn theo. Ngày chạy ra bán ở chợ rau chợ cá, tối ghé vài quán nhậu, khuya về đậu ở ngã ba, xe kẹo kéo của ông nổi tiếng nhờ giọng ca nhừa nhựa của thằng Thàn, nhờ giữa hai bài hát có mục “nhắn tìm con” buồn ác chiến. Ngã ba Sương nhiều đêm thổn thức trong tiếng “Cải ơi !!!…”, nghe ngắc ngoải như tiếng chim kêu giữa lưng trời. Con Diễm Thương cằn nhằn, quán ế, buồn thấy mẹ rồi mà còn kêu Cải vơi vơi. Một bữa Diễm Thương bước ra, thảng thốt gọi “Ba !”. Ông già đứng im sững, ngơ ngác giây lát, môi run lập bập hỏi Cải phải hôn con. Diễm Thương gật đầu. Thiệt con là Cải hả ? Diễm Thương níu tay ông rưng rưng gọi thêm một tiếng ba tha thiết. Ông già nắn đầu, nắn vai nó với một nỗi vui chảy tràn, trời đất, ba nhìn không ra, bây lớn dữ dằn vầy. Ông đi vài bước, ông day lại nhìn Diễm Thương (cho chắc là nó đang đứng đây, và có thiệt trên đời), ngước về phía trời sao, rồi ngó thằng Thàn, ông cười, để miệng muốn méo sao thì méo, “Tía kiếm có con Cải rồi, dễợt hà mầy ơi”. Nghe giọnglà cuộc hành trình ròng rãi mười hai năm của ông (và những oan khuất, buồn đau ) khép lại ở đây rồi. Ngày mai ông dẫn Diễm Thương về Cỏ Cháy, ngay trên chuyến tàu đầu. Chắc vợ ông ra cửa che tay khum khum trên trán, hỏi ai vậy cà, ông sẽnói con Cải chớ ai, bà sẽ mừng hết lớn, phải còn trẻ thể nào bà cũng nhảy cà tưng. Ông sẽ đưa nó đi dài xóm, khoe “Con Cải tui về đây nè, bà con coi, nó lớn quá chừng hen”, vẻ mặt không giấu được hả hê (vậy mà mấy người nói tui giết nó). Nghĩ đến đó, nước mắt ông tuôn dài. Diễm Thương cười, đứng dậy khoan khoái phủi tay, nói “Không ngờ mình diễn quá hay”, rồi nó khom người, nhìn sâu vô đôi mắt ràn rụa của ông già, mặt tỉnh bơ ba khía, mỉa mai, “tui giởn đó, ông làm ba kiểu gì mà không nhớ mặt con gái mình ?”. Và cơn mơ hết. Diễm Thương đi gom tiền thắng độ, đám tiếp viên léo nhéo nhằn ông già sao mà dễ tin, làm họ mất mấy chục ngàn. Diễm Thương lạnh lẽo cười, cái mặt nó tỉnh hết biết, kiếm tiền dễợt mà chẳng gợn lên chút đắc ý nào. Ông Năm bẽ bàng ngồi đó, bẽ bàng lau nước mắt, cười héo queo héo quắt, “Con nhỏ giỡn có duyên hết hồn” mà trên khuôn mặt vẫn còn đầy ứ những thương yêu. Thằng Thàn ứa lòng nhìn ông Năm già đi khủng khiếp nó giận muốn bóp cổ nhận nước Diễm Thương cho rồi, khi con nhỏ nhơn nhơn trở qua, giơ nắm tiền, rủ đi ăn hủ tiếu. Trò diễn kết thúc, ông già nằm rũ, đúng hai ngày lời nhắn tìm con Cải lại thắc thỏm ở ngã ba Sương. Con Diễm Thương bực lắm, nó gặp Thàn là đá ghế quăng ly, nó nói “ổng đừng mắc công tìm, con Cải chắc chết ngắc rồi. Sao tui thù con nhỏ đó quá trời, có nhà mà bỏ, có cha có mẹ mà không thèm... Cái thứ người đó, cho nó chết bờ chết bụi cũng đáng”. Rồi nó nghẹn ngào, “Còn tui, người ta đã quăng ở đây mười tám năm, tui chờ hoài mà có ai tìm đâu...” Thàn mới hay đời con nhỏ cũng buồn, hai đứa ngồi sát lại gần nhau, thở dài nghe cả vành tai tê tái. Tối đó, Thàn nằm gác tay lên trán, nói “Mai mốt con dẫn nhỏ Diễm Thương về lạy ông già con à, tía Năm. Tính thương chơi thôi nhưng bây giờ thành thiệt rồi”. Ông Năm phấn khởi, vậy hả, vậy à, phải làm đám cưới tử tế cho con nhỏ đỡ tủi, để tao làm ba nó, đại diện cho đàng gái làm sui chơi. Lựng khựng rồi mùa nắng quay trở lại, người ta dọn sạch cả một bờ sậy, bông đang vào mùa bạc ở ngã ba Sương, cất thêm chừng chục quán nhậu ôm nữa. Cánh phòng chống tệ nạn xã hội bắt đầu để ý cái chòm lu bu này. Phía báo đài cũng dòm ngó. Một bữa, họập vào, quay phim, chụp hình búa la xua. Đám tiếp viên che mặt, ôm đầu, chỉ có Diễm Thương là điềm nhiên trơ mắt ngó. Phóng sự phát lên ti vi, cái nhìn đó như dấu hỏi nao lòng, tôi đây nè mà ba má ở đâu ? Có nhận ra tôi không ? Có nghe đau lòng ? Thằng Thàn thấy cảnh người yêu tỉnh bơ ngồi trên đùi ông khách, buồn quá, bỏ đi uống rượu. Sáng sau, ông Năm dúi vô tay Thàn ít tiền biểu “đưa con nhỏ về nhà”. Thằng Thàn nói : - Con không đành để tía ở lại một mình. - Vậy bây nỡ nhìn con nhỏ sống vầy hoài sao ? Một sớm, hai đứa dắt nhau đi, ông già nhìn theo cho đến khi bóng chúng chìm giữa mịt mù. Lòng ông đã chuẩn bị rồi một cái vẫy tay, tiễn hai đứa ra khỏi những con đường sương gió. Nhưng mờ chiều, đám trẻ trở lại, mặt con Diễm Thương vẫn thản nhiên nhưng thằng Thàn buồn tê tái. Cả nhà Thàn hết hồn vía dồn lại ngó nhau, nhận ra đứa con gái nầy lên ti vi hôm trước, coi bộ làm nghề hỏng được đàng hoàng, coi bộ thằng Thàn bị nhỏ này dụ dỗ. Diễm Thương chỉ cười, gật đầu chào rồi bước xuống bến đón tàu ra thị xã. Lại về ngã ba Sương, chỗ của những người không còn đường trở lại nhà. Diễm Thương nói tui mắc cười quá ông Năm à, tui lên ti vi để cha mẹ nhìn mà họ không biết tui là ai, còn người dưng liếc ngang là nhớ liền. Ông già Năm Nhỏ lặng người đi, tự hỏi, bây giờ ông lên ti vi, con Cải có nhận ra mình không. Người đã dắt Cải đi hái xoài chín trong vườn hoang, đã chặt chuối làm bè dạy cho nó lội, thảtrâu, chơi diều… Đã cõng nó đi tắt mấy vạt đồng đến chỗ ông bác sỹ già, mỗi khi nó nhức đầu, sổ mũi. Cây kẹp nhỏ, mớ dây thun khoanh, mấy cục kẹo dừa vung vinhtrong túi áo mỗi khi ông đi chợ về... Tất cả những thứ đó, ông nhớ mồn một thì nhỏ Cải chắc chưa quên. Ông già muốn lên ti vi để nhắn đứa trẻ bỏ nhà rằng, về đi con ơi, đôi trâu có xá gì… Đăng tin trên truyền hình đắt đỏ, mà lần nào lại phòng quãng cáo ông cũng phải đôi co, đòi phải đọc theo ý mình, trong đó có đoạn, “con không về ba nhớ đã đành, má con còn giận ba, không nhìn mặt”. Người ta cười, trên đài chứ có phải chợ trời đâu mà muốn nói gì cũng được. Ông giận, quày quả về nhà, nghĩ cách tự mình lên ti vi. Có lần, ông đậu xe kẹo đầu chợ, thấy người ta làm phim vụ lấn chiếm lòng lề đường, người hốt thúng mủng cá rau bỏ chạy, ông sướng rơn lăng xăng chạy tọt chỗ này ló mặt đằng kia, mấp máy câu “Cải ơi...” (mà vô phim người ta đã xóa mất tiếng còn đâu). Chỉ mong được thấy mình trên ti vi, một khuôn mặt teo héo xạm đen dưới những sợi tóc ngã màu trắng xóa, một thân hình gầy guộc, lưng đã chớm còng.. “Mình thèm lên ti vi muốn chết giấc mà không được, còn mấy ông cán bộ ngồi chình ình trong đó hoài, thấy mắc ngán, ông già Năm Nhỏ than thở với thằng Thàn, nói sao tao muốn làm bí thơ tỉnh quá”. Thàn kêu, trời ơi, chi vậy tía. Ông cười, lên ti vi chớ chi, lúc đó tao đường hoàng nói chuyện với con Cải, tao nói từ từ, nhắc chuyện xưa cho nó nghe. Thằng Thàn cũng cười, tưởng tía làm lớn để lo cho dân, ai dè cũng bo bo cho mình. Họ ngồi đụt mưa dưới một hàng ba trường tiểu học. Nước đổ trắng trời. Mùa còn ướt lạnh dài dài. Thằng Thàn lo ở nhà mưa dột ướt đầu giường, về không có gối để nằm, không mền để đắp. Diễm Thương biết có chạy qua không hay là bận khách, bận cười cợt (mà lòng não nề) biểu uống với em chút nữa đi anh. Thàn chép miệng, buồn quá tía ơi. Mê văn nghệ văn gừng nên chừng này tuổi đầu rồi mà nghèo quá chừng, đến nỗi không lo được cho nhỏ Thương. Ông già Năm Nhỏ thấy thằng Thàn xuống nước mắt. Ừ tối nay, ông cũng thấy mình hoang mang buồn bã rã rời, như sắp đến cuối đường rồi, mà không biết chắc có nhà mình phía đó. Ông thở dài ứhự, chống tay liêu xiêu đứng lên, bảo, mưa chắc còn dài, thôi dầm mình về, nhỏ. Đêm đó, thằng Thàn ôm ông già Năm ngủ, nó kêu lên, tía ốm dữ dằn thiệt, xương tía cấn con đau quá chừng. Ông già cười, ờ, chê mai mốt không có mà ôm nghen con. Thằng Thàn hỏi ông nói vậy là có ý gì, ông hỏi ngược lại, chớ bộ mầy tính cưới vợ rồi mà còn chun qua ngủ với tao? Thàn cười, ờ há ờ hen. Mắc cười, ông còn rù rì tính chuyện nấu mâm cơm cúng trời đất để xáp nhập nhỏ Diễm Thương về nhà bên này, sắm cái tủ thuốc lá nhỏ để cho nó buôn bán vặt thì thằng Thàn đã ngáy o o. Nửa đêm, Thàn giật mình tỉnh giấc, không thấy ông già, nó ngật ngừngồi dậy, trên bụng rớt xuống một gói tiền. Xe kẹo kéo vẫn còn nguyên, Thàn kéo cửa bước ra ngoài. Ngã ba Sương đã tắt đèn, những con đường hun hút mù mịt dưới mưa, như không cần biết đến từ đâu, chỉ biết gặp ở đây, phút này. Thằng Thàn làu bàu, hỏng biết ông già chừng này mà đi đâu vậy cà. Ông Năm đi ăn trộm chớ đâu. Ông lội bộ gần năm cây số trong mưa sụt sùi vô trong xóm, ghé chỗ lò mổ, dắt đôi trâu đem đi. Ông làm gọn gàng như với đôi trâu ở nhà. Sáng ra ông trở lại, ghé đúng ngôi nhà có hàng so đũa cặp mé lộ, ông thấy một đám người đang tao tác đứng ngồi, ông hỏi, mua trâu hôn, tui kẹt tiền đem bán đây nè. Chủ nhà chạy ra la lên, trời ơi, bắt ổng lại,ổng ăn trộm của tôi. Ông Năm giả đò hết hồn, nhưng trong bụng thấy trúng ý, bảo, từ từ, tui có chạy đâu mà sợ. Người ta đưa ông lên ấp, ấp giải lên xã, ông luôn miệng nhắc, mấy chú nhớkêu đài truyền hình xuống nghen, phải quay tui để dân người ta cảnh giác. May, đài tỉnh xuống thật, phóng viên một tờ báo cũng chạy theo, dọc đường hăm hở rút sẵn tít “Đạo tặc đãng trí” (thì ai cũng tưởng vậy). Cái cách đời nhảy xổ vào lỗi lầm của người khác thiệt là tưng bừng. Họ phỏng vấn ông chủ lò mổ, phỏng vấn trưởng công an xã, cuối cùng, ông Năm xin được nói đôi lời, còn dặn, mấy chú làm ơn đừng cắt bỏ tiếng tui, rằng “Cải ơi, ba là Năm Nhỏnè, nhà mình ở Cỏ Cháy đó, nhớ không? Về nhà đi con, tội má con vò võ có một mình. Con là trọng, chứ đôi trâu cộ nhằm nhò gì… Về nghen con, ơi Cải…”. Nghe đâu, hôm đó, nhiều người rơi nước mắt, vì vậy mà vụ trộm trâu không được lên ti vi, sống giữa cái rẻo đất nhân hậu này nhiều khi cũng hơi phiền. Nghe đâu, hôm đó đài truyền hình có đưa tin nhưng chỉ thấy ông già nhép miệng một cách tuyệt vọng. Như đã nói, nhà đài người ta chớ có phải chợ trời đâu, mà có thể thoải mái gọi, “Cải ơi !” . . . Nguyễn Ngọc Tư.
Cho những ai yêu Hà Nội, về một người thanh niên trẻ tuổi đang "du hành", đang phiêu lưu để tìm kiếm những "giá trị" Lá rơi trong thành phố - Lê Xuân Khoa Đọc nó vào mùa này thì tuyệt phải biết
Giá không có ruồi <Azit Nexin> Lúc lên 10 tuổi, nó bảo: - Úi dà! Nếu tôi cũng có cặp sách như những đứa khác, cũng có đồ chơi, có những quyển tranh đẹp như chúng, thì xem tôi học giỏi không nào!... Ðây tôi lại chẳng có gì cả! Thế thì làm sao mà học giỏi được! Ðến năm 13, nó cũng có đủ sách, vở, bút, cặp và đồ chơi như những đứa trẻ khác. Nhưng nó học vẫn không được. Nó lại than phiền: - Quần áo đẹp thì không có! Nhà cửa thì chật chội, cả mấy bố, mẹ và anh chị em tôi phải ở chung một buồng. Thế thì học làm sao được! Giá tôi được một cái buồng, một cái tủ sách và bàn học riêng xem! Tôi không học giỏi bằng mấy chúng nó ấy à! Năm 18 tuổi, người ta dành cho hắn một cái buồng riêng. - Học giỏi thế quái nào được, nếu đến tuổi tôi mà trong túi chẳng có nổi lấy 10 lia! Muốn mua sách vở nhưng lại không có tiền. Năm 20 tuổi, trong túi hắn lúc nào cũng đã có ít nhất 10 lia, có khi còn nhiều hơn. - Ôi! Mong sao học chóng xong để ra đi làm! Tốt nghiệp đại học rồi tôi sẽ làm việc cật lực cho mà xem!... Tôi sẽ bắt đầu viết truyện... à không! Viết hẳn tiểu thuyết ấy chứ! Chao ôi! Ước gì tôi chóng được ra trường. Năm 24 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học, hắn than thở: - Tôi không tìm được việc gì hợp ý nguyện cả, vì đầu óc lúc nào cũng bị ám ảnh bởi chuyện sắp phải tòng ngũ. Chỉ mong sao cái thời hạn tại ngũ chóng qua đi. Lúc ấy tôi sẽ làm việc ngày đêm để cướp lại thời gian! Thế nào tôi cũng phải viết một tác phẩm thật vĩ đại, để mọi người phải nhắc đến tên tôi!... Chà, cái chuyện tòng ngũ tai ác này!... Ðến năm 26, hắn hết hạn phục vụ trong quân đội. - Tôi vẫn chưa thể nào bắt tay vào làm việc một cách thật sự được. Vì cứ quanh quẩn lo hai bữa ăn đã hết ngày rồi. Khi nào người ta chưa có được một công việc đàng hoàng và một khoản thu nhập cố định, thì chưa thể nói gì đến chuyện sáng tác! Năm 28 tuổi, khi đã có công ăn việc làm tử tế, hắn kêu: - Ðiều kiện thiếu thốn thế thì sáng tác thế quái nào cho được! Ít ra là phải có hai buồng và có máy thu thanh! Lúc nào làm việc mệt, mở máy ra nghe nhạc cho đỡ mệt, sau đó lại tiếp tục làm việc. Như thế tinh thần mới sảng khoái, làm việc mới có hiệu quả được chứ! Ôi! Giá tôi có một chiếc máy thu thanh thì hay biết chừng nào? Năm 29 tuổi, hắn tậu được một căn nhà hai buồng và sắm được một cái máy thu thanh. Nhưng tác phẩm mà hắn dự định từ bao nhiêu năm nay vẫn đứng nguyên tại chỗ. - Chao ôi là cô đơn! - hắn thở dài - Sự cô đơn làm cho lòng tôi trống trải như một bãi sa mạc! Thử hỏi như thế làm sao tôi có thể tìm ra cảm hứng sáng tác được! Ôi! Phải có một tia nắng nào sưởi ấm được lòng ta! Phải có một ngôi sao nào đem lại cho ta nguồn vui và nguồn sức mạnh! Phải có một người nào mà vì nó ta sẵn sàng làm việc quên ăn quên ngủ chứ!... Ai là người có thể làm thần tượng cho ta, có thể làm mục đích của đời ta? Ôi, tình yêu của ta! Người ở đâu? Ðến năm 30 hắn gặp được nàng. Hắn yêu nàng và cũng được nàng yêu lại. Cuộc sống của hắn bắt đầu tràn đầy ý nghĩa. Nhưng cuốn tiểu thuyết mà hắn ấp ủ từ hồi còn niên thiếu vẫn chẳng nhích thêm được một dòng nào. - Yêu đúng là một hạnh phúc tuyệt vời! - hắn suy nghĩ - nhưng nếu cứ yêu mãi mà không cưới thì vẫn chưa thể an tâm làm việc được. Ta phải cưới thôi. Có lấy vợ rồi thì cuộc sống mới ổn định, mới có thể hoàn toàn yên tâm lao vào sự nghiệp. Chà, mong sao ta sớm cưới được nàng! Bấy giờ ta thề sẽ lao đầu vào sáng tác, không bỏ phí lấy một phút cho mà xem! Năm 32 tuổi hắn cưới vợ. Cuộc sống vợ chồng của hắn hạnh phúc lắm! Nhưng không hiểu sao hắn vẫn không thể bắt tay vào cái sự nghiệp cả đời của hắn được. Ấy là vì hắn lại tìm thấy những lý do thật là xác đáng - bây giờ trên vai hắn có cả một gánh nặng gia đình. Quanh năm suốt tháng hắn phải lo chạy vạy kiếm miếng ăn. Thế thì thì giờ đâu để hắn ngồi sáng tác nữa? Năm 36 tuổi hắn được tăng lương. Nhưng ta hãy nghe hắn nói: - Ðã đành là mình có nhà riêng đấy! Nhưng nhà cửa chật chội quá! Trẻ con lại suốt ngày nô đùa ầm ĩ, không sao làm việc được. Giá mình kiếm được ngôi nhà độ 4, 5 buồng thì tuyệt quá! Lúc ấy mình sẽ làm việc phải biết nhé! Phải xắn tay áo lên mà làm mới được! Năm 38 tuổi hắn dọn đến ở một biệt thự 5 buồng. Song tác phẩm của hắn vẫn không tiến thêm được một tý nào. Hắn vẫn chưa thể làm việc được. Nhưng phải đâu là lỗi tại hắn? - Làm sao mà có thể sáng tác trong một ngôi nhà ở ngay giữa khu phố đông đúc ồn ào như thế?! Các người có giỏi thì sáng tác xem nào! Không! Mình cần có một nơi yên tĩnh, nếu dọn được đến một nơi yên tĩnh thì nhất định thế nào mình cũng làm việc được, mà làm ra trò chứ không phải đùa! Năm 40 tuổi hắn dọn đến một khu phố tĩnh mịch. Ngôi nhà của hắn thật rộng rãi và thoáng mát. Từ cửa sổ nhìn ra phong cảnh đẹp tuyện trần. Bây giờ chắc hắn phải bắt tay vào sáng tác thực sự được rồi chứ gì nữa? Vẫn chưa à? Tại sao vậy? - Chà! - hắn than phiền - Sáng tác gì được khi mà trong nhà không có những đồ vật đẹp! Không có những bức tranh quý, không có những bộ xalông êm, không có một cái bàn viết cho ra trò, không có những tấm thảm mịn! Muốn sáng tác thì mắt phải được nhìn những đồ đạc xinh đẹp, tai phải được nghe những điệu nhạc du dương chứ! Than ôi! Không biết có ngày nào mình thực hiện được cái mơ ước ấy không?... Ðược thế, mình thề sẽ dốc hết sức ra mà làm việc, cho thiên hạ biết tay!... Năm 42 tuổi hắn có được tất cả những thứ hắn mơ ước: những đồ đạc quí giá và tiện nghi đầy đủ. Nhưng chẳng hiểu sao hắn không tài nào tập trung tư tưởng vào công việc được. Tác phẩm của hắn vẫn không nhích thêm được chút nào. - Trời ơi! - hắn bảo thế - Các người có hiểu đâu hoàn cảnh của tôi! Các người cứ nhìn bên ngoài nên tưởng tôi sung sướng, mãn nguyện lắm, không còn điều gì phải phàn nàn nữa... Mà kể ra tôi cũng mãn nguyện thật, vì tiền bạc lúc nào cũng rủng rỉnh, không lúc nào thiếu cả, lại được vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng nữa. Ðồ đạc tronh nhà thì toàn loại quý và tiện nghi đầy đủ, thì giờ lại nhiều nữa này... Thế nhưng... phải mỗi cái tội là... ruồi! Ruồi nhiều quá! Ruồi không còn làm ăn gì được nữa! Nó cứ bâu vào người, cứ vo ve bên tai nghe sốt cả ruột, tư tưởng không sao tập trung được! Ban ngày không chợp mắt nổi vì ruồi, thành ra ban đêm không còn sức để thức mà sáng tác nữa. Giá không có ruồi thì tôi làm việc phải biết nhé! Cứ gọi là làm như điên ấy chứ không nói chuyện!... Tôi thề như vậy! Nhưng... cái lũ ruồi khốn kiếp!... Tôi không biết làm thế nào với chúng cả. Ðóng cửa lại thì nóng! Mà che rèm thì mất đẹp. Các người bảo tôi làm việc về mùa đông ư? Nhưng có thực là mùa đông không có ruồi không? Trời ơi! Không hiểu ai sinh ra giống ruồi làm gì không biết? Tôi chịu không hiểu nổi. Năm nay hắn mới 42 tuổi. Vì thế chúng ta vẫn chưa hết hy vọng. Một ngày kia, khi giống ruồi bị tiêu diệt hết trên thế gian này, như điều hắn mơ ước, thì chắc chắn thế nào hắn cũng sẽ làm việc không ngơi tay để tạo ra cho thế giới cái tác phẩm vĩ đại của hắn. Ðấy, rồi các bạn xem!
LS cũng đọc Azit Nexin à? Truyện trên là truyện mà mẹ mình thích nhất trong số truyện của Azit Nexin đó . Tiện đây xin dành truyện "Rất tiếc là không xong rồi" của Azit Nexin cho thanh niên FA đang kiếm người yêu trong tuyệt vọngggggggg @Solo feeder #team Rui RẤT TIẾC LÀ KHÔNG XONG RỒI! ---Azit Nexin--- - Muốn gì thì muốn, chúng tôi cũng cứ cưới vợ cho anh! - mọi người xúm vào bảo tôi vậy. Tôi giãy nảy lên, làm ra bộ không thích. Nhưng kỳ thực trong thâm tâm không có gì phản đối cả. - Cô này chăm chỉ nết na lắm! - Họ tìm cách thuyết phục tôi. Con gái mà điều đầu tiên được khen là nết na chăm chỉ, thì ắt là nhan sắc không ra gì rồi! Chắc thế nào cũng có khuyết tật gì đó. - Nết na hay không tôi cũng không cần lắm. Cốt nhất là làm sao mặt mũi phải dễ coi một tí, để nếu không phải suốt ngày, thì ít ra đôi lúc có thể ngắm được - tôi rụt rè bảo họ. - Cô ấy đi với anh thì xứng đôi lắm rồi, - họ nói cốt để tôi yên lòng. Nhưng chính đó lại là điều tôi sợ nhất...... - Cô ấy là người có học thức. Tiếp xúc với cô ấy thế nào anh cũng sẽ thấy hợp ngay! Điểm này thì tôi thích. Một cô gái có học thức! Phải nói rằng học thức dù sao cũng là một nét hấp dẫn đấy chứ! Các bạn cứ đọc các mẩu rao vặt kết hôn trên báo thì biết đấy. Từ anh thợ mới học nghề quét vôi cho đến nhà hoạt động xã hội có tên tuổi, có ai là người không muốn kiếm một cô vợ có học thức đâu nào! - Mẹ cô ta là người Đức, còn bố là người Thổ. - A! Điểm này cũng hay đấy! Giống vật lai cũng giống như người lai, bao giờ cũng có những phẩm chất tốt lắm nhé! Tôi chợt nhớ đến phu nhân Phôn Xađrextainơ trong truyện ngắn trứ danh của Hôme Xaiphetiin. Đó là một phụ nữ có thân hình rắn rỏi. Sáng nào cũng vậy, ở chợ về, mình mặc bộ quần áo thể thao, tay xách làn, bà vừa đi vừa nện gót dày cộp... cộp... trông rất oai vệ. - Cô ta nói được cả tiếng Đức, tiếng Pháp lẫn tiếng Ý! Tôi thầm nghĩ: nếu săn được con chim này thì cũng thật bõ công chờ đợi hơn 40 năm giời! Người ta nói thế mà đúng: chỉ kẻ nào biết nhẫn nhục chờ đợi thì mới đạt được ý nguyện. Bà mối chính trong chuyện này là Mađơmoađen Êléplơra, 59 tuổi, người gày đét như con cá nắm. - Cô này rất xinh, thuộc loại tơrétgiôli (rất đẹp) đấy! Bà ta nói, - người cao, thon thả... trông tơrécuyntivê (rất có văn hoá), mà lại dòng dõi con nhà quí phái nhé! - Bà Êléplơra này, - tôi bảo,- thế bà đã nói cho cô ấy biết rằng tôi đã ngoại tứ tuần chưa? - Nói rồi! cô ấy bảo đàn ông cứ phải ngoại cái tầm 40 mới có thể gọi là đàn ông được! - Thế bà có bảo với cô ấy là vóc người tôi thấp bé không? - Có, nhưng cô ấy bảo được cái chắc anh thông minh! - Nhưng bà có kể cho cô ấy biết tôi chỉ là một nhà báo quèn, lương tháng không hơn gì mấy cô thợ đan bít tất, tức là chỉ có 50 lia một tuần, mà với điều kiện là phải làm vừa lòng ông chủ đấy! Bà đã kể cho cô ấy biết điều ấy chưa? - Rồi, kể hết rồi! Cô ấy có những ba cái nhà cơ, đồ đạc đủ hết, chả thiểu thứ gì! Nếu vậy thì được. Không có sau lại bảo không nói trước! Đã biết thế rồi mà cứ lao vào, sau này khổ thì đừng có trách! Đúng là cô ả muốn chuốc nợ vào thân, mà tôi thì hoàn toàn có khả năng làm cô ta được toại nguyện. Nói thật ra thì tôi cũng chẳng quan tâm mấy đến tất cả những chuyện này, nhưng chết nỗi một ông bạn cứ thiết tha muốn tôi lấy vợ. - Thôi, cưới quách đi cho rồi cậu ạ! Cho đời nó dễ chịu,- anh ta thuyết phục tôi,- và cũng để bọn tớ khỏi lo lắng về cậu nữa. Lo mãi cho cậu, tụi tớ cũng phát ngán lên rồi. - Sao cậu lại nói thế?- tôi bảo anh ta. - Cậu tưởng thời buổi bây giờ, một người con gái như thế... Chắc gì cô ta đã chịu lấy một thằng ngu như tôi! - Thôi, đừng có nói vớ vẩn! Đã bao năm cậu không được biết hạnh phúc là gì, thì bây giờ hạnh phúc tự đến với cậu. Chuyện ấy là thường chứ! Tôi đắn đo suy nghĩ mãi, rồi cuối cùng đành liều gật đầu, mặc cho mọi sự đi đến đâu thì đến. Theo sắp đặt, người con gái mà số phận đã định cho tôi sẽ lấy làm vợ, sẽ đi cùng Êléplơra đến sở chúng tôi. Người bạn tôi sẽ phải có ở đó để đón họ. Ngày hẹn đã tới. Phải người nào đã từng nến mùi cuộc sống độc thân mới hiểu rõ cuộc sống có ý nghĩa như thế nào. Từ ngày hôm trước tôi đã phải lấy chiếc áo sơ mi trắng ra giặt, rồi phơi lên trên ban công cho khô. Nhưng ác một cái là hôm sau trời mưa tầm tã đến tận chiều. Áo rút từ trên dây xuống mà nước từ hai ống tay vẫn còn chảy tong tong. Tôi còn hai cái áo nữa, nhưng một cái thì bẩn quá, cái kia thì nhàu nát. À, thôi được, không sao. Tôi quyết định vắt thật khô... Lấy hồ phết vào cổ và hai ống tay, rồi cắm bàn là cho thật nóng... Áo may sẵn cái nào cũng thế, mặt trong cổ bao giờ cũng rộng hơn mặt ngoài, là thế nào cũng không phẳng được! Hoá ra tôi để quên bàn là ở trên quần. Tôi chạy vội đến nhấc ra, nhưng nó đã kịp làm cháy một miếng tướng ở đầu gối... Chà! cái cảnh sống độc thân đáng nguyền rủa này! Thôi, muốn gì thì muốn, tôi cũng phải lấy cô gái này thôi. Rút cuộc tôi đành phải mặc cái áo hãy còn ẩm, vác cái bộ mặt xây sước như bộ que tính có khía nấc, hãy còn rớm máu vì cạo vội, mà ra đi. Muộn mất rồi! Tôi nhảy đại lên một chiếc taxi, phóng như bay đến sở. Vừa đến nơi, anh bạn tôi đã nhảy bổ ra, nghé sát vào tai tôi bảo: - Cậu chết rấp ở đâu đấy? Để người ta chờ hơn một tiếng đồng hồ rồi! - Thế nào?... trông được chứ hả? Anh bạn tôi mặt không còn thần sắc. - Cứ vào xem khắc biết! Tôi hồi hộp quá! Ngay cả lúc sắp bước vào phòng thi hay thậm chí lúc sắp bị đưa ra toà án tối cao, tôi cũng chẳng thấy hồi hộp như thế... Mađơmoađen Êleptơra đây rồi!... Một sinh vật kỳ dị. Nó đưa mắt nhìn tôi có vẻ sợ sệt. Tôi ngoảnh vội sang phía người này, nhưng anh ta đã quay mặt vào tường. Thế là hết người cầu cứu. - Rất hân hạnh được gặp ông! - Xin lỗi vì đã làm cô phải chờ! Hai ánh mắt chúng tôi chợt gặp nhau... Trời ơi! Tôi muốn bê lấy cái bàn mà đập vào đầu Mađơmoađen Êleptơra một cái! Tôi tuy khù khờ thật, nhưng đâu đến nỗi để... Cái người đàn bà mà bà ta định giới thiệu làm vợ tôi này chỉ có thể dùng vào một việc thích hợp nhất là đem nhốt vào một cái lều, rồi đứng ngoài mà kêu: - Vào xem đi! Vào xem đi! Kỳ quan thứ 8 của thế giới đây! - Một quái vật kinh dị chưa từng có đây! Nói đúng hay sai vào xem sẽ rõ! Thoạt tiên có thể mang y đi trưng bày ở các chợ phiên hay các đám hội, sau đó mang đi trưng bày ở các tỉnh, rồi dẫn đi khắp vùng Anatôli. Rồi can đảm nữa thì làm một vòng quanh châu Âu, châu Mỹ, cho các nước người ta biết hệ động vật của nước ta còn thêm loại gì. Chúng tôi bắt tay nhau. - Cô có được khoẻ không ạ? - Mécxi! Còn ông? Đột nhiên Mađơmoađen Êleptơra to giọng hỏi tôi: - Ông thấy cô ta thế nào? - Bà Êleptơra ạ, bà có nghe nói ở Xtămbun người ta mới mở một vườn bách thú không? - Tôi hỏi. - Không! Bà mối buông một tiếng cộc lốc. Người con gái mà bà ta muốn sẽ làm tôi sung sướng, trông chả khác gì một con ngựa thồ nòi Hung-gia-lợi mà trước kia trong pháo binh người ta vẫn dùng để kéo những cỗ pháo nặng. Khi duyệt binh thì nó sùi cả bọt mép ra. Nói của đáng tội, giống ngựa thồ dù sao còn có ưu điểm là nó biết im lặng. Chứ đằng này vị hôn thê của tôi không lúc nào ngơi mồm. Y nói liến thoắng át hết cả chúng tôi. Những câu y nói không ai hiểu gì cả, vì cái miệng y, giống như kim địa bàn, lúc nào cũng muốn bật lên phía trên. Tuy vậy, để câu chuyện khỏi bị đứt quãng, thỉnh thoảng tôi lại phải đáp lại những câu y hỏi, mặc dù thực tình tôi không sao hiểu nổi y muốn hỏi gì. Nhưng bất cứ hoàn cảnh nào đề có lối thoát của nó. Nên tôi cứ nhìn mắt y mà trả lời "vâng" hoặc "không". Vì nhìn mắt bao giờ người ta cũng đoán được phần nào ý nghĩ. Nhưng đôi mí to mọng úp sụp làm mắt y trông thật dễ sợ. Y nhìn chúng tôi một cách lấm lét, như anh chủ hiệu tạp hoá giấu hàng lậu trong quầy bán trộm vào những hôm chủ nhật. Nói tóm lại, đấng tạo hoá chí tôn khi nặn ra kẻ tội đồ đáng thương này đã tỏ ra vô cùng sành sỏi về các kỳ hình quái dạng! Thánh Ala muốn nói gì, là điều ấy được thực hiện. Người ta bảo y biết bốn thứ tiếng, chao ôi! Lời đồn sao quá điêu ngoa! Có một hồi, đứng bán ở quầy, y cũng bập bẹ được dăm ba câu tiếng Pháp. Nhưng sau ít khách người ta không mướn y nữa. Người ta bảo mẹ y là người Đức. Cả chuyện này cũng đã sai lạc ít nhiều. Không phải mẹ y, mà bà hàng xóm ở cạnh nhà y cách đây mươi năm, là người Đức. Rồi, hẳn các bạn còn nhớ, người ta bảo y có ba căn nhà. Té ra không phải ba căn nhà, mà là một căn nhà có ba buồng. Mà bây giờ cũng đã bị cấm rồi. Ấy là chưa kể tám anh chị em y cùng chui rúc vào đó... Mađơmoađen Êleptơra hỏi lại tôi lần nữa: - Thế nào? Anh có ưng cô ta không? Bằng lòng nhé? Nếu vì lịch sự tôi bảo bằng lòng, thì sẽ hết đường rút lui. Người ta sẽ thít lấy cổ tôi mà bắt làm lễ cưới ngay. Vì thế tôi cứ ậm à ậm ừ... - Bà biết đấy... về những vấn đề như thế này thì... Có phải thế không ạ?... Trước hết người đàn ông phải... đúng không ạ? Người phụ nữ trong chuyện này thì... Vâ...â...ng! Còn về phần tôi... nhất định là tôi sẽ... thưa chuyện với bà sau... Tôi liếc người con gái đáng thương. Đôi mắt cô ta dán chặt vào tôi. Không khí bỗng trở nên nặng nề. - Trời hôm nay đẹp quá! Tôi vội chộp ngay lời cô ta như vớ phải cọc. - Vâng, thưa cô, trời hôm nay thật là tuyệt! Năm nay... Gì chứ đề cập đến chuyện thời tiết thì tôi có thể nói cả tuần liền không nghỉ! Nhưng bỗng tôi cảm thấy có một cái gì đau nhói ở trong lòng. Các bạn cứ nghĩ xem: người con gái xấu xí ấy muốn lấy chồng mà tôi lại là niềm hy vọng cuối cùng của cô ta... Nói ra sợ các bạn không tin, chứ quả thật mắt tôi lúc ấy bỗng rớm lệ. Nhưng tôi phải vội vàng quệt ngay nước mắt, vì sợ cô ta lại tưởng đó là dấu hiệu của bệnh già. "Mi hãy cưới người đàn bà ấy làm vợ đi! Tôi tự nhủ thầm vậy, dù sao đây cũng không phải là hành động điên rồ đầu tiên của mi cơ mà! Hãy lấy cô ta đi, rồi hãy cứ là một thằng ngốc như từ trước đến nay mi vẫn là như thế. Hãy tự hy sinh thêm một lần nữa để cứu lấy người đàn bà khốn nạn này!..." - Năm nay thời tiết không giống như năm ngoái... - Vâng, đúng ạ! Tôi nhìn người đàn bà. Chẳng giấu gì các bạn, trong lúc nhìn như thế, tôi tự hỏi: không biết sau khi cưới nhau, người ta còn phải làm gì nữa? Gì chứ việc tôi phải hôn y là cái chắc rồi! Với những ý nghĩ hết sức thiện chí ây, tôi bắt đầu quan sát kỹ khuôn mặt y, cố tìm xem có chỗ nào khả dĩ có thể đặt môi vào được. Nhưng... hỡi ôi!... Không một mi-li-mét vuông nào là không có nốt sần hay mụn trứng cá. Vẫn với một động cơ đầy thiện chí như thế, tôi lại quan sát các chỗ trên đôi cánh tay và mái tóc y. Nhưng than ôi, cũng chẳng thấy một khu vực nào nhẵn nhụi. "Đó chẳng qua là tâm hồn mi quá thơ mộng và óc tưởng tượng của mi quá phong phú đấy thôi! Tôi tự bảo mình như vậy. Mi cứ hãy nhìn khuôn mặt này rồi lại tưởng ra khuôn mặt khác!" Rút cuộc là buổi gặp mặt hôm ấy chúng tôi cứ loanh quanh suốt hai tiếng đồng hồ về chuyện thời tiết. Khi Mađơmoaden Êleptora và y đứng dậy ra về, tôi còn để ý thấy chân trái của y ngắn hơn chân phải đến năm sáu đốt. Nhưng bây giờ thì cái tật thọt của y chỉ khiến tôi càng thêm thương y mà thôi! Khi cách cửa vừa đóng lại sau lưng các vị khách bạn tôi hỏi: - Cậu thấy cô ta thế nào? - Tôi sẽ cưới người con gái này, - tôi đáp. - Cậu điên à!... - Anh bạn tôi quát lên. - Tôi không thể tìm được người đàn bà nào khá hơn thế đâu! Nhất định tôi sẽ cưới cô ta! Buổi tối, Mađơmoaden Êleptơra đến nhà tôi. - Tôi bằng lòng cưới đấy! - Tôi bảo bà ta. - Cưới ai? - Bà ta hỏi. - Còn ai nữa! Người con gái mà bà dẫn đến ấy! - Ồ, rất tiếc là không xong rồi!... Cô ấy lại chê anh!
FA thì phải đọc <cùng của Azit Nexin> Spoiler: cái này Chuyện vợ chồng Lẽ ra tôi phải viết xong và nộp bản thảo từ tháng trước, nhưng tôi không hoàn thành hợp đồng. – Viết đi anh! Nào có ai quấy rầy anh đâu? – Đâu có, em yêu của anh. Đáng ra anh đã phải đánh dấu chấm hết cuốn sách, thế mà không xong… Chẳng hiểu sao anh lại không tập trung được tư tưởng em ạ… Đầu óc cứ để đi đâu… – Làm sao đầu óc anh lại để đi đâu? – Chính anh cũng không biết nữa… Hôm nay anh sẽ ngồi nghiêm chỉnh. Trời mát mẻ và đầu óc anh cũng đang thư thái.. May ra cũng xong đề cương… – Thế thì anh ngồi viết đi.. Có khi em quấy rầy anh cũng nên. – Có gì đâu, em yêu dấu. – Thế anh viết đi.. Anh đại lãn thật! – Hả! Lạy trời hôm nay tôi không bị chuyện gì quấy quả! – Ủa! Anh nói thế nghĩa là thế nào? – Chả thế nào cả… Anh không có ý gì đặc biệt… Anh chỉ cầu trời cho anh hôm nay làm được nhiều việc… – Thế nhỡ đột nhiên hôm nay em chết thì sao? – Sao em lại sang chuyện ấy? – Thì sao? Em chết thật đấy… – Nói thế làm gì, vợ yêu của anh? – Anh ơi, ngộ như em chết… anh có lấy vợ khác không? – Em yêu dấu! Đừng nói với anh những điều như thế. – Nhưng, anh thấy đấy, anh có trả lời được đâu. Mà từ lâu em đã biết tỏng bụng dạ anh, biết anh nghĩ gì về em rồi. – Em gái nhõng nhẽo của anh, tính nết em kỳ thật đấy. – Mọi sự chỉ vì anh… – Thì anh có làm gì em đâu, hả người ngọc? Anh chẳng bao giờ muốn em buồn cả! – Thế anh trả lời em đi: sau khi em chết anh có đi lấy vợ khác không nào? – Lạy thánh Ala! – Ái chà! Thấy chưa! Em biết rồi mà… Anh vừa mới tự thú đấy nhé!… – Tự thú! Tự thú cái gì kia chứ? – Anh chả vừa nói cái câu: ”Lạy thánh Ala” là gì? – Thì anh nói đấy… Nhưng làm sao nào? – Em chết rồi tất nhiên anh không lấy ai được nữa… Bọn đàn bà nó ghê tởm anh, anh chả căm ghét cuộc sống gia đình là gì… Tưởng em không biết đấy hả! Em chết rồi dù anh có sống đến nghìn tuổi anh cũng không lấy được vợ… Nhưng chẳng lẽ anh ghê tởm cuộc sống gia đình lại là tại em à? – Nàng tiên của anh, tại sao em lại cứ kiếm chuyện thế nhỉ? Ngay cả trong ý nghĩ, anh cũng chẳng bao giờ có những chuyện ấy… Em lau nước mắt đi, bình tâm mà nghe anh đây… Em chẳng thương em tí nào mà cứ làm mình làm mẩy vô ích… Em quả là không hiểu những lời anh nói … – À à à! Nghĩa là anh không định nói những điều như thếch gì? – Phải ạ? – Nghĩa là nếu em chết anh sẽ tục huyền chứ gì? – Trời ơi là trời, tôi biết nói thế nào đây… Có… thể… – Anh cứ nói toạc ra xem nào… – Bây giờ anh không thể đoán chắc điều gì… Nhưng có thể anh sẽ lấy vợ cũng nên! – Tất nhiên là lấy vợ rồi… Làm như em không biết bụng dạ anh ấy! – Trời đất ơi! Thánh Ala! Cầu trời cho tôi được bình tĩnh. Em làm anh rối cả ruột, em yêu ạ chính anh cũng không biết anh nói gì nữa… – Lấy vợ, đằng nào rồi cũng lấy vợ… – Anh nói thế làm vui lòng em đấy thôi… – Làm vui lòng em? Đầu tiên anh bảo không lấy, sau lại bảo lấy. Như thế mà bảo làm vui lòng em! – Thánh Ala ơi? Con phải làm thế nào đây… Xin Thánh rủ lòng ân ưu. Thôi, nín đi em… Lúc anh bảo anh không lấy vợ thì em cáu. Đến lúc anh bảo anh có lấy vợ em cũng lại cáu. Thế em lệnh cho anh nói gì có phải hơn không? – Thôi, em đã đoán từ lâu là anh chán em rồi. – Thiên thần của anh, tại sao em lại quyết đoán rằng anh đã chán em. – Thì anh bảo rằng anh không biết sau này có lấy vợ hay không chứ gì? – Vâng, thì tô có no…ó…ó…i! – Thế là thế nào? Tức là anh bảo em rằng: thôi cô có chết thì chết mau lên, cho tôi còn liệu! Thế mà anh lại còn choi phắt đi được! – Thôi, thôi… tôi im. Tôi không nói một lời nào nữa. Tôi xin rút lui mọi ý kiến. Tôi chỉ xin cô đừng khóc nữa, tôi van cô. Chúng ta ngồi im nhé. Thôi, nín đi, em yêu của anh! – Ôi, tôi khó thở quá, tôi ngất đây,.. Tôi chết đây! Spoiler: và cái này Biết ơn vạn bội – Bạn thân mến. Tôi mới quen một thiếu phụ. Duyên may thật sự! – Nàng đẹp lắm hả?! – Còn phải hỏi. Anh xem, ảnh củanàng đây. – Đẹp thật đấy! Cố gắng, đừng bỏ lỡ đấy. – Hẳn đi chứ!… Anh có biết tôi say đắm đến thế nào không. – Nhưng nàng có chú ý đến anh không? – Hẳn là có… – Thế thì phải chinh phục ngay trái tim nàng. *** – Tình hình thế nào, có gì hay không đấy? – Tuyệt lắm. Hôm nọ tôi đã kể anh nghe rằng tôi có một nàng… – A, thế nào rồi? – Tôi yêu, yêu đến mất trí! – Nhưng nàng có yêu anh không? – Chưa biết. – Phải làm sao cho nàng yêu anh! – Làm thế nào? – Điều ấy thì tôi có thể bàn với anh được. Thứ nhất là quà tặng. Phụ nữ bao giờ cũng thích được quà. Đầu tiên có thể hoa, đặc biệt là tử đinh hương… Sau đó đến một thứ quý hơn… Và nhớ thường xuyên nói với nàng rằng nàng rất thông minh. – Hay đấy, tôi sẽ cố theo lờianh nói. *** – Trời ơi, tôi không biết nói sao để cảm ơn cho anh hết! – Mọi việc tốt đấy chứ? – Bạn thân mến, anh thật hiểu lòng dạ đàn bà. Tôi đã làm theo đúng ý anh. Nàng đối với tôi hoàn toàn có thiện cảm rồi. Nhân danh đấng Ala, anh bảo tôi phải làm gì bây giờ? – Anh phải mời nàng đi xem phim. Nhưng phải chọn phim đừng nghiêm túc quá, có thể là chuyện gì bi thảm, một hài kịch nhẹ nhàng, hoặc một màn vũ nhạc gì đó. Xem xong nhất thiết là phải ăn kem va-ni. Nhớ rằng trong túi anh luôn luôn phải có sô- cô-la và phải mời nàng ăn luôn. – Thế nào tôi cũng làm đúng như lời anh dặn. Tôi yêu đến hoá điên rồi! *** – Hôm qua bọn mình xem phim. Vào rạp tôi mời kẹo sô-cô-la. Nàng bằng lòng lắm. Xem xong vào hàng bánh kẹo ăn kem va-ni. Nàng bảo tôi là hạng đàn ông có thẩm mỹ tinh tế. Tuần này bọn mình định đi chơi xa. Nhân Đức Ala, anh khuyên tôi đi hướng nào nhỉ? – Theotôi, các bạn nên ra đảo Hoa Cương. Nên thuê hai con la mà cưỡi. Sau đó ra bãi tắm. Rồi đi khiêu vũ. Nhưng nhớ chỉ mời nàng nhảy van thôi đấy, – Lạy Chúa!… Làm sao tôi chinh phục được người đàn bà ấy nhỉ? – Anh cứ theo đúng lời tôi, mọi việc đâu sẽ vào đấy! – Tôi thật không biết cảm ơn anh thế nào cho hết. – Không cần… Tôi chỉ muốn truyền kinh nghiệm cho anh thế thôi. *** – Thế nào, các bạn có đi chơi không đấy? – Đi chứ!… Tuyệt vời lắm! Nhưng tôi không gặp may… – Sao vậy? – Hoá ra nàng có chồng rồi, chúng mình chỉ dạo chơi thôi, chẳng có gì hơn nữa. – Thế nàng có yêu chồng không? – Không đâu, nàng bảo chồng thô lỗ, ngu độn như lừa, chẳng biết gì hết, đối với anh ta, tâm hồn phụ nữ là mộtbuồng tối. – Một thiếu phụ đáng thương! Vì sao nàng không ly dị đi? – Nàng bảo nếu tôi đáng tin thì ngày hôm nay nàng sẽ nộp đơn ly dị! Tôi không biết mình phải làm gì… – Chớ để mất nàng! *** – Công việc của anh thế nào? – Anh đừng có hỏi. Bọn mình chưa một lần nào hôn nhau. Nàng nhút nhát quá. Nhưng tôi cảm thấy nàng yêu tôi. – Tiếp tục tặng quà đi. Mua nước hoa đắt tiền vào, chẳng hạn nước hoa “Xau đau” ấy. Sau đó… tôi cũng không biết… Mua một loại vải đẹp đi… Hầu hết phụ nữ thích màu xanh lơ hoặc là xanh nhạt. – Ngộ chồng nàng biết thì sao? – Làm gì mà đoán ra được? Chính nàng nói hở ra rằng hắn ta là mộtgã khờ kia mà. Nếu anh muốn, tôi sẽ đi chọn vải giúp anh… – Hay quá… Ta đi luôn nhé! *** – Tình hình thế nào rồi? – Tốt quá anh ạ! Tôi đưa nước hoa, nàng bảo đúng là thứ nàng thích nhất. Tôi tặng vải, nàng sướng rơn lên. Bạn ơi, tôi đang hớn hở như một cậu học trò! Anh bảo tôi phải làm gì để có nàng trọn vẹn? – Anh đọc cho nàng nghe những vần thơ của Iakhi Kêman. Phải thề thốt sẽ lấy nàng làm vợ. Phải hối thúc nàng mau ly dị gã khờ kia… *** – Lâu nay anh trốn biệt đi đâu thế? – Bận quá, không gặp anh được. Nàng ly dị rồi đấy! – Thế anh vẫn quyết lấy nàng đấy chứ? – Tất nhiên! – Vậy thì phải nhanh lên, kẻo… *** – Tôi không biết lấy gì để đền đáp ơn anh. Hôm qua chúng tôi làm lễ thành hôn rồi. Anh đã cho tôi một hạnh phúc lớn quá. Tôi đã có một gia đình, có vợ, có người yêu thương… – Người anh em của tôi ơi. Tôi phải cảm ơn anh mới đúng, chính anh đã cho tôi một hạnh phúc lớn lao. Chính anh đã giúp tôi thoát được khỏi cái con mụ vợ yêu quái của tôi đấy!
Còn truyện này kể ra cũng hợp cho tình yêu kiểu NT nè, nhất là kiểu INTP chúa lười Spoiler: NGƯỜI PHỤ NỮ XÃ HỘI Azit Nexin Ai bảo rằng việc người phụ nữ tham gia công tác xã hội là nguyên nhân làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, là người ấy hoàn toàn nói bậy! Tôi có thể lấy ngay cuộc sống êm ấm của chính gia đình tôi đây để chứng minh. Hồi ấy, do kết quả của sự nhập cảng dân chủ vào nuớc ta và nhờ chiến dịch vận động tranh cử rùm beng khắp nơi, mà việc bầu nghị sĩ bỗng trở nên dễ dàng hơn, nhưng sinh hoạt thì lại đâm khó khăn hơn, tôi buộc lòng phải cưới cô vợ có công ăn việc làm. Vợ tôi là một viên chức hết sức mẫn cán. Những lúc rảnh rỗi, không có việc gì đan lát, nàng thường thích gây gổ cãi lộn với những bạn đồng sự. Tôi thì làm việc ban đêm ở một toà soạn. Vào đúng cái hôm chúng tôi quyết định cưới nhau, vợ tôi được nhà băng cho nghỉ bù. Tuy thức suốt đêm làm việc, nhưng ngày hôm sau đó tôi vẫn không sao ngủ được. Chúng tôi đến phòng khai giá thú để đăng ký kết hôn. Ngay tối hôm ấy, để người vợ yêu ở lại một mình trong căn buồng ấm cúng, tôi đến toà soạn làm việc. Sáng hôm sau, lúc trở về tổ ấm, tôi thấy mảnh giấy của vợ gài trên cửa buồng ngủ: "Chồng yêu của em! Em đến nhà băng đây. Hôn đôi mắt nhỏ của anh". Tôi đọc mảnh giấy của vợ mà cảm động đến rơi lệ. Sau đó tôi leo lên giường làm một giấc đến tận chiều. Khi tỉnh dậy vợ tôi vẫn chưa đi làm về. Sợ đến toà soạn trễ, tôi cũng viết cho vợ một mẩu giấy và gài đúng chỗ đó: "Con mèo nhỏ của anh! Anh đi làm đây. Vì đã trễ giờ rôi! Hôn đôi má thơm tho của em!" Sáng hôm sau chúng tôi cũng không gặp được nhau. Nhưng người vợ chung tình của tôi không quên để lại cho tôi một lá thư nồng nàn âu yếm, với những lời lẽ ngắn gọn, cô đọng như mệnh lệnh của viên chỉ huy dũng cảm trước giờ tấn công. "Anh bé bỏng của em! Em đi đây. Hôn anh một ngàn,ngàn, ngàn cái!" Tôi lại viết trả lời ngay: "Em bé bỏng của anh! Anh đã nhận được thư em. Cám ơn em nhiều nhiều. Hôn đôi môi ngọt ngào của em. Chồng của em ứ Haxan Kaphađan" Từ đó chúng tôi bắt đầu ôm nhau và hôn nhau qua các bức thư. Ba tháng sau kể từ ngày chúng tôi cưới nhau. Trong một bức thư để lại cho tôi vẫn ở chỗ cũ trên cửa buồng ngủ, vợ tôi viết: "Anh thân yêu! Cám ơn anh một ngàn lần vì đã gửi thư cho em. Em vẫn rất khoẻ và mong anh cũng khoẻ như thế. Em xin báo ngay để anh biết tin mừng là chúng ta sắp có con. Em cảm thấy hình như em hơi có mang. Nhưng không sao cả đâu, anh đừng lo lắng gì cả! Bác sĩ bảo là đã đến tháng thứ tám. Em rất muốn đứa con của chúng ta lớn lên sẽ thành một công dân có ích cho xã hội. Nhưng muốn vậy chúng ta phải sát cánh cùng nhau làm việc thật hăng say hơn nữa, anh nhé! Anh nhớ viết thư cho em luôn đấy. Em chờ. Pakide Kaphađan riêng của mình anh." Như bất cứ ông bố nào, tôi sung sướng vô hạn khi nhận được tin đó. Tôi lập tức viết thư trả lời vợ dán lên cửa buồng ngủ: "Nàng tiên của anh.Anh sung sướng không sao tả xiết. Anh đã mua tặng em cái trâm cài đầu. Em cứ lật gối lên sẽ thấy. Hôn em nghìn, nghìn, nghìn lần". Tất nhiên, vợ chồng sống với nhau lâu ngày cũng dần quen đi, và ngọn lửa yêu đương nồng đượm ban đầu cũng dần dần nguội lạnh. Chúng tôi đã quen với cuộc sống gia đình, nên cũng bắt đầu ít quan tâm đến nhau hơn. Thậm chí chúng tôi quên cả viết thư cho nhau, hoặc viết rồi quên không gài lên cửa. Mấy năm sau thì chuyện thư từ thôi hẳn. Nhưng căn cứ vào những chiếc bít tất hay những cái quần áo lót của vợ tôi vương vãi trên bàn ăn hay trên mặt rađiô mà lần nào dọn buồng tôi cũng nhặt được, tôi biết rằng vợ tôi vẫn thường đảo về nhà. Cuộc sống hạnh phúc của gia đình chúng tôi cứ trôi qua nhiều năm như thế. Một hôm đi làm về, thấy người mệt mỏi, tôi rẽ vào rạp xem phim, ở trong rạp, tôi đã gặp một chuyện hết sức bất ngờ. Tôi đang ngồi thì có một phụ nữ ăn mặc rất đứng đắn. Tự nhiên ôm choàng lấy cổ tôi mà kêu: - Ôi, anh yêu, anh thương, anh quý của em! - Ấy ... ấy!... Xin lỗi!tôi hoảng quá, nói lắp ba lắp bắp. Tôi là người đã có gia đình rồi. Tôi là bố của một gia đình. Xin bà buông tay ra. Tôi không thích những chuyện lả lơi như vậy. Người đàn bà nói: - Anh không nhận ra em ư? Chao ôi! Thật là xấu hổ! Em là Pakidê Kaphađan, vợ anh đây mà! Tôi ngượng quá, đỏ dừ cả mặt. - Nghĩa là... bà ...à ...em là.... cô vợ Pakiđê yêu quý của anh đấy à? Xin lỗi em, thế mà anh không nhận ra. Từ ngày không gặp em đến giờ, em lớn ra nhiều quá! Vợ tôi chỉ vào ba đứa trẻ ngồi xếp hàng thong dong từ bé đến lớn, một đứa gái và hai đứa trai bảo tôi: - Con chúng mình đấy! Tôi làm điệu bộ của một ông bố, âu yếm nắm tay mấy đứa trẻ và bảo chúng: - Rất hân hạnh được làm quen! Nhưng phải tảng lờ đi như không nghe thấy câu đứa con gái yêu của tôi nói thầm vào tai mẹ nó: - Mẹ chả có mắt nhìn người gì cả! Mẹ không chọn cho chúng cn một người bố nào đẹp hơn hay sao? Đoạn nó chỉ vào một người đàn ông trông rất bảnh bao ngồi bên cạnh bảo tôi: - Đây là bác cháu. Đã bao năm trôi qua mà cuộc sống gia đình của chúng tôi vẫn hoà thuận, êm ấm, không có điều gì phàn nàn cả. Nói ví thử, giá tôi không lấy một người vợ có công ăn việc làm, thì suốt ngày chúng tôi sẽ mắng chửi nhau mất. Đằng này, lấy nhau cũng đã từng ấy năm trời, mà giữa chúng tôi vẫn không hề xảy ra chuyện gì có thể làm tổn hại đến hạnh phúc gia đình. Và bởi vì không sao tìm được thời gian để gặp nhau, nên giữa hai vợ chồng tôi cũng chẳng bao giờ xảy ra chuyện xích mích cãi cọ. Chúng tôi sống êm ấm, bình lặng, không hề giận hờn, cũng chẳng bao giờ đánh đập nhau. Tấm gương của gia đình tôi há chẳng phải là bằng chứng hùng hồn cho việc người phụ nữ tham gia công tác xã hội là hoàn toàn không có hại gì đến hạnh phúc gia đình hay sao?